Nhận diện học sinh cần được “giúp đỡ” về tinh thần
Trong độ tuổi hình thành nhân cách, học sinh phổ thông thường đối mặt với nhiều khúc mắc trong cuộc sống. Nếu không kịp thời tư vấn, định hướng, giải tỏa thì dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Thực tế ấy khiến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh ở trường học là cần thiết và cấp bách…
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, đây là một trong chuỗi những hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ chủ chốt các trường Tiểu học, THCS trước thềm năm học mới.
Chia sẻ với cán bộ chủ chốt các trường học của quận Ba Đình, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: Đối với học sinh phổ thông, trong giai đoạn hình thành nhân cách, phát triển với nhiều biểu hiện đáng lo ngại thường gặp như: Khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè…
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi tại buổi tập huấn |
Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc: Nhẹ thì chán học, bỏ học; Nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, thậm chí tự kỷ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong năm học này, học sinh trở lại trường nhưng do trước đó có 2-3 năm chịu tác động của dịch COVID-19 nên tiềm ần nhiều nguy cơ. Chưa kể, học trực tuyến kéo dài, không ít em nghiện game, thiết bị điện tử… khi đến trường sẽ cảm thấy gò bó, khó chịu, chán nản.
"Học sinh rất cần được thiết lập lại các kỹ năng vì sau thời gian dài không đến trường các em có cảm giác xa lạ hơn với thầy cô, có nguy cơ xích mích với các bạn. Chưa kể trước đó, các em thoải mái dành nhiều thời gian cho thiết bị điện tử nay đến trường sẽ cảm thấy gò bó, thất vọng, sút kém năng lực", PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.
Điều đáng nói, một số phụ huynh dù biết con gặp vấn đề tâm lý nhưng không dám tìm nơi chia sẻ, làm chậm khả năng phục hồi của đứa trẻ trong khi ở nhiều nước việc bàn đến lo âu, trầm cảm rất thoải mái.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, ngoài quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tinh thần học sinh, cần có giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần giáo viên. Bởi vì chỉ khi giáo viên hạnh phúc, học sinh mới có thể hạnh phúc. Ngược lại, giáo viên hay nhà quản lý giáo dục căng thẳng, mệt mỏi vì công việc quá tải cũng khó tiếp nhận ý kiến hay quan tâm đến các vấn đề học sinh đang gặp phải.
Từ phân tích ấy, PGS.TS Nam hướng dẫn thầy cô các nhà trường cách nhận diện học sinh thế nào là có “vấn đề” cần được giúp đỡ. Cụ thể như, các em chán nản kéo dài, bi quan, khả năng tập trung kém, có suy nghĩ về tự tử, hành động chậm chạp, mất ngủ…
“Ít tuần đầu đi học, có thể một số học sinh sẽ rất vui vẻ, hào hứng nhưng khi đối diện với kiến thức, cảm thấy mình thua kém, tụt hậu khi đó mới nảy sinh tâm lý chán nản, mệt mỏi. Nếu ở nhà cũng bị ức chế, các em sẽ có hành vi gây hấn với bạn bè nhằm thu hút sự chú ý...”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, hoạt động tư vấn tâm lý thực sự cần thiết trong mỗi nhà trường. Vì vậy, cần được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cấp quản lý giáo dục, nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên “liều thuốc tinh thần”, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý và giúp giải quyết những khó khăn trong học đường và ngoài xã hội.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải mái và gần gũi cho học sinh.
Cùng với chuyên đề "Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh sau đại dịch", UBND quận Ba Đình đã tổ chức tập huấn hai chuyên đề cho đối tượng cán bộ quản lý và cán bộ diện quy hoạch của các trường tiểu học, THCS quận về “Vai trò của văn hóa đọc và tổ chức hoạt động khuyến đọc trong trường học” do Phòng GD&ĐT phối hợp cùng Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận phối hợp thực hiện. |