A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện trẻ em bị xâm hại, người dân TP Hồ Chí Minh cần làm gì?

Khi phát hiện có trường hợp trẻ bị xâm hại, người dân có thể liên hệ UBND hoặc công an phường, xã, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc gọi các số 113, 111, 1900 54 55 59 và 1800 90 69.

Phát hiện trẻ em bị xâm hại, người dân TP Hồ Chí Minh cần làm gì?
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, khi phát hiện hoặc có thông tin về trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, người dân có thể liên hệ với UBND hoặc công an phường, xã, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú.

Các số điện thoại để người dân liên hệ như sau: Đường dây nóng 113 (Công an TP Hồ Chí Minh); 1900 54 55 59 (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP); 1800 90 69 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP); 111 (Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em).

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là hoạt động nằm trong chương trình: Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em, do UBND TP thực hiện. Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, địa chỉ tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, Phường 4, quận Gò Vấp để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.

Ngoài những nơi tiếp nhận thông tin trên, tại địa phương, khi có trường hợp vi phạm quyền trẻ em xảy ra, mạng lưới cộng tác viên ở khu phố, ấp, báo cáo đến công an, UBND phường, xã, thị trấn. Sở, Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện và TP Thủ Đức đã phân công, thành lập tổ tiếp nhận thông tin các vụ việc liên quan đến trẻ em. Tổ này có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin của các đơn vị chuyển đến và hàng ngày rà soát thông tin qua báo chí, trang mạng xã hội để kết nối với các địa phương giải quyết các vụ việc.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh

Đối với các trường hợp đặc biệt, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em Thành phố, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, phối hợp đến địa bàn để trực tiếp hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp, lập hồ sơ theo dõi, quản lý ca.

Công tác tuyên truyền, hoạt động truyền thông cũng được các ngành, các cấp triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng hướng đến nhiều nhóm đối tượng cha/mẹ, người nuôi dưỡng trẻ và người dân ở cộng đồng dân cư, các nơi công cộng, các tuyến xe buýt, khu nhà trọ, để gia đình có sự quan tâm đến trẻ nhiều hơn, qua đó chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với mọi hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức các hoạt động truyền thông Tháng hành động vì trẻ em, diễn đàn trẻ em cấp thành phố, hội trại chắp cánh ước mơ và các hoạt động chăm lo cho trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các dịp lễ, Tết…

Đồng thời, Sở chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi số điện thoại các đường dây nóng bảo vệ trẻ em, cơ quan tiếp nhận thông tin về trẻ em tại địa phương để người dân dễ nhớ, thuận tiện liên lạc.

Theo thống kê, năm 2021, toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận 114 trẻ em bị xâm hại, năm 2022 là 147 trẻ và 4 tháng đầu năm 2023 là 65 trẻ. Trong số các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn, số vụ xâm hại tình dục chiếm đa số. Kế đến là các hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em và mua bán trẻ em.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan