A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường “đề kháng” cho học sinh với bạo lực học đường

Câu chuyện nam sinh nhảy lầu vì bị bạn trêu chọc rồi hàng loạt các vụ bạo lực học đường diễn ra trong thời gian gần đây để lại những hậu quả nghiêm trọng đang trở thành điểm nóng, nhức nhối và lo lắng của không chỉ phụ huynh, nhà trường mà toàn xã hội.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 11/11, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip quay lại cảnh một học sinh lớp 8 bị hai học sinh khác ép vào tường sau đó đánh, đá liên tục vào mặt. Nam sinh ôm mặt khóc, hoảng sợ né tránh nhưng hai học sinh này vẫn tung ra những đòn đánh, đá liên tiếp.

Nam học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Độ (Q.Sơn Trà) bị 2 học sinh khác đánh, đá liên tục vào mặt. (Ảnh internet)
Nam học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Độ (Q.Sơn Trà) bị 2 học sinh khác đánh, đá liên tục vào mặt. (Ảnh cắt từ clip)

Cũng trong ngày 11/11, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nắm bắt và đưa ra phương án xử lý vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại bờ sông Thạch Hãn thuộc P.An Đôn (TX.Quảng Trị). 2 học sinh gồm L.T.T.H (lớp 8A), V.H.A (lớp 9A) đã có hành vi đánh đập rồi lột áo quần D.T (lớp 6A). Tại hiện trường, khi H. và A. đánh D.T còn có các học sinh khác chứng kiến, quay lại clip kèm lời cười đùa, nói tục.

Bắt nạt nay đã khác xưa

Bạo lực học đường không phải chuyện mới, nhưng dù đã được giáo dục bằng nhiều biện pháp thì vấn nạn này vẫn luôn diễn ra, thậm chí có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, khiến nhiều bậc phụ huynh, nhà trường lo ngại về vấn nạn bắt nạt học đường.

Nguyễn Hương Ly đang học lớp 12 tại một trường dân lập ở Bắc Ninh đã phải chuyển trường về Hải Dương để tiếp tục học vì bị bạn thường xuyên bắt nạt. Hương Ly cho biết: “Một vài bạn cùng lớp trêu chọc, mình không dám lên tiếng, bởi lên tiếng là các bạn lao vào đánh. Các bạn ấy theo mình mọi nơi, kể cả trên đường đi học về để gây sự bắt nạt. Dù bố mẹ lo lắng đưa đón tôi đến trường nhưng không thể tránh mặt các bạn vì học cùng trường cùng lớp. Bố mẹ mình cũng có đến nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm và bố mẹ các bạn mà không giải quyết được vấn đề, vì gia đình các bạn ấy cũng không giống như các gia đình bình thường khác. Cứ sống trong sự nơm nớp lo sợ khi đi học, mình không tiếp thu được bài trong khi kỳ thi vào đại học đang diễn ra. Vì thế mình xin bố cho chuyển trường về quê nội để yên tâm học tập”.

Từ 2 hôm nay, Trần Huy Hùng học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận Long Biên đóng cửa ở lỳ trong phòng không chịu nói chuyện với ai và cũng không chịu đi học. Khi mẹ gặng hỏi, cậu chỉ rơm rớm nước măt xin mẹ cho nghỉ học mà không nói lý do. Khi tìm hiểu ra, chị Hoàng Thị Thu - mẹ Hùng mới biết, do cô giáo hỏi về một vụ cãi vã ở lớp, con chị đã kể với cô nghe sự việc, thế là các bạn cho rằng con chị là người “mách lẻo” nên rủ nhau cô lập, không chơi với cậu bé. Đã thế, một bạn còn doạ sẽ đưa hình ảnh của Hùng lên mạng xã hội cho cả thế giới biết “bộ mặt” của con trai chị. “Sau khi tôi tìm cách nói chuyện với con trai, con oà khóc nói vì sợ không ai chơi, sợ hình ảnh của mình bị đưa lên mạng xã hội rồi mọi người chửi bới, sỉ vả như nhiều vụ bêu rếu trên mạng trước đó. Tôi đã phải trấn an con và cùng cô giáo chủ nhiệm xử lý mọi vấn đề. Khi các bạn trong lớp hiểu ra, thay đổi thái độ, hành động thì mọi việc lại trở lại bình thường”.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp (Ảnh minh hoạ)
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp (Ảnh minh hoạ)

Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie Đỗ Thị Trang cho biết bạo lực học đường vẫn là vấn đề học sinh hay gặp phải, hiện nay, bạo lực học đường không chỉ có vấn nạn về bạo lực thể xác, nhiều bạn học sinh còn sử dụng ngôn từ để miệt thị, xúc phạm hay dùng mạng xã hội gây bạo lực, làm tổn thương nghiêm trọng tới người khác.

Bắt nạt học đường diễn ra dưới nhiều hình thức từ tác động tâm lý như lời nói, tẩy chay, quấy rối cho đến những tác động vật lý như xô xát, không chỉ là tại trường lớp mà còn xảy ra cả trên mạng xã hội. Hậu quả của bắt nạt học đường có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, sự tự tin và sự phát triển lành mạnh của học sinh.

Chị Đỗ Thị Trang cũng cho biết, những đối tượng dễ bị bắt nạt là nhóm trẻ có vấn đề về chậm phát triển trí tuệ khi không nhanh nhẹn bằng bạn bè, sự phát triển chậm hơn so với lứa tuổi, những em có những vấn đề về thể hiện giới LGBT hay nhóm trẻ em sống trong gia đình khó khăn hơn các bạn cùng lớp.

Nguyên nhân dẫn đến những cuộc xô xát tại trường học thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, những câu nói kích động,… dẫn đến hậu quả của các vụ việc bạo lực có thể gây ra những tổn hại về tinh thần, thương tích về cơ thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Ngoài ra, sự giáo dục chưa đúng đắn từ phía phụ huynh cũng là yếu tố liên quan đến sự phát triển các hành vi bạo lực học đường. Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là tình trạng căng thẳng và áp lực trong cuộc sống ngày càng gia tăng. Vấn đề cha mẹ trút giận lên con cái hoặc có hành vi bạo lực trước mặt con, khiến con trẻ bắt chước và tập nhiễm hành vi.

Làm sao để học sinh có “đề kháng” với bạo lực học đường?

Bạo lực học đường là vấn đề gây “nhức nhối” hiện nay. Và làm sao để ngăn chặn vấn nạn này cũng đang là bài toán khó thách thức cả gia đình, nhà trường và toàn cộng đồng.

Các trường học cần chú trọng việc giáo dục đạo đức cho học sinh từ thực tế, quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. (Ảnh minh hoạ)
Các trường học cần chú trọng việc giáo dục đạo đức cho học sinh từ thực tế, quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. (Ảnh minh hoạ)

Theo cô Đỗ Thị Trang, để đẩy lùi “bắt nạt học đường”, bên cạnh một môi trường học đường lành mạnh vẫn luôn cần sự chung tay của bố mẹ, nhà trường và cả xã hội. Bắt nạt học đường sẽ không thể diễn ra nếu có sự can thiệp, xử lý của bên thứ ba cũng như cần củng cố lại mối quan hệ của gia đình, nhà trường và xã hội.

“Ở gia đình, phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển tâm sinh lý của con em mình, đặc biệt là các em vị thành niên. Bên cạnh đó, nhà trường cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm của học sinh để có biện pháp giáo dục và uốn nắn các em”, cô Trang chia sẻ.

Muốn chấm dứt bạo lực học đường thì trước hết phải lấy giáo dục để giảng dạy cho học sinh. Việc hạn chế bắt nạt học đường không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, mà cần có sự chung tay của toàn xã hội để hướng đến môi trường giáo dục không có bạo lực học đường.


Tác giả: Đình Trung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật