Trẻ em cần làm gì khi gặp nguy hiểm dưới nước?
Không chỉ cơ quan chức năng lên phương án, dạy trẻ em bơi, cách phòng, chống đuối nước mà các gia đình có con nhỏ cũng chủ động trang bị kỹ năng cho con mình khi gặp nguy hiểm dưới nước.
Trang bị kỹ năng cho trẻ
Tại Việt Nam, tai nạn đuối nước đang cướp đi mạng sống của gần 2.000 trẻ em mỗi năm và là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em.
Để kéo giảm con số thương tâm này xuống mức thấp nhất, không chỉ có các trường, các cơ sở Đoàn tại địa phương đưa ra nhiều phương án phòng, chống đuối nước mà bản thân mỗi gia đình cũng đang cố gắng thực hiện các biện pháp an toàn giúp đảm bảo tính mạng cho con em mình.
Rất nhiều phụ huynh cho con học bơi khi kỳ nghỉ hè đến |
Mặc dù mới là thời gian đầu của kỳ nghỉ hè nhưng số lượng học viên nhỏ tuổi đăng ký học bơi tại các bể bơi đang tăng lên đáng kể. Mục tiêu của các bạn nhỏ không chỉ là giải nhiệt ngày nắng nóng mà còn muốn được nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng an toàn khi xuống nước.
Em Chu Quý Thái (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Em thấy học bơi rất quan trọng vì khi biết bơi, em sẽ giữ được bình tĩnh và biết được mình sẽ phải làm gì khi gặp tình huống nguy hiểm, nhất là bị chuột rút”.
Anh Nguyễn Ích Hiếu, thầy giáo dạy bơi Bể A1D3 Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), nói về những nguyên nhân dẫn đến việc dễ bị đuối nước là do lúc đầu mọi người chưa biết lấy hơi, chưa biết hít vào, khi thở ra lại thường há mồm, nước tràn vào miệng nên dễ bị sặc.
Cho trẻ học bơi là biện pháp phòng chống đuối nước hiệu quả |
“Với những bạn chưa biết bơi, tâm lý xuống nước sẽ hoảng, khi hoảng các em thường thở ra. Trong kỹ thuật bơi, càng thở càng chìm, vì vậy các em nên nín thở lâu nhất có thể, cố gắng khi chạm đáy bể, đáy bùn, thân hình hướng lên trên để đạp vùng vẫy cho mọi người nhìn thấy…”, anh Hiếu chia sẻ thêm.
Những mô hình cần được nhân rộng
Nổi bật trong công tác phòng chuống đuổi nước phải kể đến xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Tại đây trước kia có ao Quan - là nơi thường bị người dân vứt rác bẩn. Do đó, chính quyền địa phương đã quyết tâm cải tạo, sau một thời gian xây dựng, từ ao Quan ô nhiễm nhất trong vùng đã “lột xác” trở thành một bể bơi ngoài trời bổ ích cho người dân xung quanh.
Trẻ nhỏ được trang bị áo phao trước khi xuống tắm, bơi lội tại ao Quan (Gia Lâm, Hà Nội) |
Để đảm bảo cho trẻ an toàn khi học bơi và bơi, ông Đặng Tiến Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho rằng: “Ở thôn đã thành lập ban quản lý bể bơi này, khu vực bơi có người lớn giám sát, trẻ em phải mặc áo phao bảo hộ… Chúng tôi cũng đã bàn giao camera an ninh cho công an và Đoàn thanh niên giám sát trong những ngày hè để việc bơi lội của các cháu được an toàn”.
Tuy nhiên không phải ở đâu cũng có điều kiện và có môi trường thuận lợi cho trẻ học bơi như thế. Để phát động một mùa hè an toàn cho trẻ em thì vẫn cần nhiều yếu tố mà trong đó có vai trò người trẻ tình nguyện, xã hội hóa đóng vai trò quan trọng.
Các bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học Sự phạm TDTT Hà Nội dạy bơi cho trẻ em tại huyện Chương Mỹ |
Tại trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, năm nào Đoàn trường cũng phát động lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, trường cũng có một đội sinh viên tình nguyện dạy bơi miễn phí cho 50 học sinh trên địa bàn xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Dự kiến, lớp dạy bơi này sẽ khai mạc vào ngày 8/6 với khoảng hơn 10 buổi học tại bể bơi của Nhà trường. Học sinh khó khăn theo học sẽ được miễn phí hoàn toàn vé vào bể bơi và khoá học. Các em tham gia lớp học sẽ được anh, chị sinh viên tình nguyện dạy kỹ thuật bơi cơ bản và hướng dẫn kỹ năng an toàn bơi, phòng, chống đuối nước.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng: “Cần tận dụng sáng kiến, đóng góp của xã hội, bởi nếu chỉ trông chờ nhà nước xây dựng cơ sở vật chất thì vượt quá ngân sách từ trung ương đến địa phương. Vì thế tôi vẫn muốn các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội hoá bể bơi nhiều hơn. Bởi ngoài sáng kiến thì việc tham gia đóng góp điều kiện, kinh phí tạo ra sự đa dạng phong phú về mô hình dạy bơi và phòng, chống đuối nước cho trẻ”.