Từ vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi chuộc 15 tỷ đồng: Cha mẹ cần dạy con những gì để phòng tránh bị bắt cóc?
Phụ huynh nên dạy trẻ như thế nào về sự an toàn để trẻ tránh bị đi lạc hoặc bị kẻ xấu làm hại?
Không được cho người lạ vào nhà khi một mình ở nhà
Khi người lớn đi vắng nhà cần dặn dò trẻ không được tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ vào nhà, dù bất cứ lý do gì. Nếu có người lạ tìm đến nhà, lấy lý do công việc hoặc là bạn của bố mẹ để xin vào nhà, cần gọi điện ngay cho bố mẹ thông báo và bảo họ lúc khác quay lại. Đặc biệt cặn trẻ không được bỏ nhà đi chơi.
Cần ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ
Cha mẹ luôn dặn các con số điện thoại của mình để không bối rối trong trường hợp trẻ bị lạc. Dặn trẻ nếu trường hợp xấu nhất bị thất lạc thì hãy nhờ bảo vệ, công an, … gọi điện về cho ba mẹ. Các bậc phụ huynh nên dạy các con mình ít nhất trẻ phải nhớ được hai số điện thoại của người thân trong gia đình.
Dạy trẻ những người có thể tin tưởng
Lập danh sách người mà bạn có thể tin tưởng - những người có thể đón trẻ từ trường về nhà và ngược lại. Đó có thể là người thân, hàng xóm hoặc người trông trẻ. Bố mẹ nhớ dặn kỹ con không nói chuyện với người lạ, trừ những người thuộc danh sách này. Để chắc chắn hơn, nên tạo mật mã bí mật chỉ con con, cha mẹ và "người tin tưởng" biết.
Khi bị bắt cóc hãy chạy ngược chiều xe truy đuổi
Cha mẹ nên dạy trẻ biết cách bỏ chạy theo hướng ngược lại nếu bị ai lái xe đuổi theo phía sau. Bởi làm theo cách này, xe sẽ phải quay đầu và con có nhiều thời gian hơn để trốn thoát.
Cần phát tín hiệu bản thân đang gặp nguy hiểm
Trẻ em thường la hét và ăn vạ mỗi khi tức giận, bởi vậy khi gặp nguy hiểm, chỉ la hét không, chưa chắc người khác biết bé đang gặp nguy hiểm. Cha mẹ cần dạy thêm con hét những câu cầu cứu như: "Cô ra đi, con không quen biết cô" hoặc "Bố mẹ ơi cứu con với" khi bị kẻ xấu bắt đi.
Trẻ cần biết nói "Không" đúng lúc đúng chỗ
Các bậc phụ huynh cần dạy con của mình nói "không" với người lớn nếu đó không phải cha mẹ hoặc người thuộc danh sách đáng tin tưởng. Trong các buổi nói chuyện, cha mẹ có thể tạo ra các tình huống giả định xem trẻ phản ứng thế nào khi có người lạ lại gần bắt chuyện, cho kẹo hoặc yêu cầu giúp đỡ.
Không nhận quà của người lạ
Cần dạy trẻ không được nhận quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên, trung tâm vui chơi,… của người lạ. Để đề phòng những món quà, bánh kẹo đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị kẻ xấu bắt đi, cha mẹ nên dạy trẻ không nhận bất kỳ món quà nào của người lạ và từ chối khéo rằng "Ba mẹ cháu không cho phép nhận" sau đó trẻ hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc bảo vệ đứng để tránh bị người lạ tiếp tục dụ dỗ.
Hãy kêu to khi có người lạ kéo hoặc bắt đi
Trong trường hợp nếu ai đó cố ép con đi đâu đó cùng họ hoặc cố đẩy con vào ô tô, cha mẹ hãy dạy con phải chạy đi và gây chú ý cho mọi người xung quanh bằng cách la lớn: "Cháu không quen ông ta/cô ta"; "Giúp cháu với"... Đây là cách xử trí nhanh nhất bởi những kẻ bắt cóc luôn muốn hạn chế sự chú ý của đám đông, khi trẻ la hét, mọi người xung quanh sẽ hướng đến con và từ đó hạn chế khả năng con bị bắt cóc.
Hơn nữa, cha mẹ cũng cần dặn con, khi bị người lạ túm tay kéo đi, con nên chống cự lại bằng cách: Cắn, đá, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý của người xung quanh bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, cần dạy trẻ cần kêu khóc thật to để mọi người biết và giúp đỡ.
Tránh để con thất lạc chỗ đông người
Thường ngà trẻ con rất thích đi siêu thị, vui chơi ở công viên đông đúc, theo đó bạn không bao giờ rời mắt khỏi con vì sợ con bị lạc. Tương tự, bạn dạy trẻ cũng có ý thức như vậy: luôn luôn để mắt tới cha mẹ và khi cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của trẻ thì hãy gọi to lên.
Cho trẻ xem clip mô phỏng các tình huống bắt cóc
Một điều cần dayh con đó là hãy cùng con xem những phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của con để chúng dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải.
Cha mẹ cần dạy bé một số kỹ năng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để trẻ biết cách tự bảo vệ mình không bị bắt cóc.
Những nguyên tắc "vàng" cha mẹ cần chú ý để đề phòng trẻ bị đi lạc:
Không để trẻ ở nhà, ở cửa hàng hay trên tàu xe một mình.
Không để trẻ chơi một mình ở cửa nhà hay ngoài cổng gần đường đi lại.
Không để trẻ rời khỏi tầm mắt của cha mẹ.
Không cho trẻ đi chơi với một trẻ khác mà không có người lớn đi cùng quản lý.
Không giao trẻ cho người lạ trông hoặc nhờ đưa ra chỗ này chỗ kia, chỉ giao trẻ cho bạn bè, người thân tin tưởng.
Dạy trẻ cách giữ bình tĩnh khi bị đi lạc, khi bị lạc thì không sợ hãi, khóc thét, tránh kẻ xấu chú ý.
Nên cài vào ba lô, túi áo của trẻ mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của cha mẹ.
Nếu trẻ dưới 1 tuổi, khi ra ngoài nên địu trẻ trước ngực vừa an toàn vừa tránh bị lạc.
Khi cho trẻ ra ngoài bằng xe đẩy, cha mẹ nên thắt dây an toàn đảm bảo cho trẻ không bị ngã cũng như tránh bị người lạ nhấc đi dễ dàng.
Với trẻ đã biết nói, dạy trẻ ghi nhớ tên, địa chỉ nhà ở, số điện thoại của cha mẹ để nhờ người giúp đỡ liên lạc khi bị lạc.
Ngoài số điện thoại của cha mẹ, cần dạy trẻ cả số điện thoại 113 của cảnh sát khi đi lạc hay cần giúp đỡ.
Dạy trẻ cách nhận biết khi gặp cảnh sát, bộ đội, nhân viên an ninh.
Dạy trẻ nếu bị lạc ở khu trung tâm mua sắm, siêu thị, công viên hay các khu công cộng khác thì cần tìm các nhân viên mặc đồng phục để nhờ giúp đỡ.
Nếu giao con cho người giúp việc, cha mẹ cũng cần nhắc nhở những vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cha mẹ nên cón trẻ đúng giờ khi tan học để tránh đón trẻ muộn sẽ tạo cơ hội cho những kẻ xấu hành động.