Uể oải quay trở lại trường sau Tết, làm sao để trẻ lấy lại năng lượng?
Trở lại trường sau một thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều học sinh có tinh thần uể oải, ngại cầm sách. Phương pháp nào hữu ích để học sinh lấy lại tinh thần và năng lượng?
Chán nản, lười biếng khi quay trở lại trường
Sau gần chục ngày nghỉ lễ tết Nguyên Đán với nhiều hoạt động vui chơi, thư giãn, sau khi quay trở lại trường, nhiều học sinh mang tâm lý uể oải và chưa thực sự sẵn sàng để học tập.
Nghỉ tết là quãng thời gian, các bạn trẻ có thể tự thưởng cho mình những giấc ngủ nướng đến trưa, hay thức khuya đến 2,3 giờ sáng để xem phim mà không cần nghĩ về bài vở. Tết ở nhà được, các em cũng gia đình quây quần và chiều chuộng nên mọi hoạt động đều thoải mái.
Nhiều học sinh có tâm lý uể oải khi quay trở lại trường học sau dịp nghỉ Tết |
Khi học sinh chính thức quay trở lại trường, nhiều bạn trẻ vẫn còn lưu luyến những dư âm của ngày Tết mà chưa muốn cầm sách vở trở lại.
Quỳnh Đan, học sinh lớp 8, THCS tại Lý Thường Kiệt (Long Biên) chia sẻ: “Ở nhà mấy ngày Tết rất thoải mái, em không phải dậy sớm đi học, chuẩn bị sách vở, bài cũ hay bài kiểm tra.
Vì thế em thường ngủ nướng, ăn uống không đúng giờ, ban đêm lại xem phim, tranh thủ làm những điều mình thích... Tối mùng 5 em phải chuẩn bị bài vở để quay trở lại trường, em thấy mệt mỏi, không tập trung, ước gì quay trở lại 29 tết để được nghỉ nữa. Nghĩ đến việc phải quay trở về guồng quay dậy sớm đi học, ôn tập bài vở mà thấy nản”.
Theo chuyên gia tâm lý, hội chứng chán học sau Tết là biểu hiện thường thấy của nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là học sinh mầm non và cấp tiểu học và THCS
|
Hội chứng này một phần do cha mẹ cho con hưởng thụ ngày Tết thoải mái, xả láng mà quên nhắc nhở các con liên quan đến việc học tập và giờ giấc. Một lý do khác là trong những ngày nghỉ Tết, bố mẹ quản lý lỏng lẻo kiểu "bù đắp" cho con những ngày học hành vất vả nên cho ôm điện thoại, chơi game…, quá nhiều dẫn đến tác dụng ngược.
Ngoài ra, trong thời gian Tết, trẻ thường được ba mẹ nới lỏng giờ giấc đi ngủ và thức dậy. Liên tục trong thời gian dài như thế sẽ dễ khiến cho trẻ quen giấc không tốt này.
Cần có phương pháp để trẻ lấy lại tinh thần học tập
Cô Nguyễn Thị Tám, giáo viên dạy môn Văn, trường THCS Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “ Quay trở lại học tập sau Tết có nhiều học sinh mang trạng thái chán nản, lười biếng. Điều này dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho cả thầy và trò, nhiều học sinh lên lớp ngáp ngắn ngáp dài do thiếu ngủ và chưa có sự chuẩn bị cho những tiết học của thầy cô. Đặc biệt, với học sinh lớp 9 thì càng không tốt, bởi đây lớp cuối cấp, nếu như các em không tự mình có ý thức trong việc học tập và cân đối thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến việc học tập và ôn luyện bị gián đoạn. Vậy nên cần có các phương pháp giúp trẻ lấy lại tinh thần học tập.”
Cô Tám cũng chia sẻ thêm, đối với những bạn học sinh lớp 6,7, cô thường áp dụng phương pháp kể chuyện đan xen học tập, cô thường kể các câu chuyện về truyền thống ngày Tết, điều này vừa giúp các bạn tiếp thu thêm những kiến thức, vừa giúp trẻ tìm lại cảm hứng học.
“Ngày đầu năm học, mình cũng tặng mỗi bạn một chiếc lì xì nho nhỏ, vừa làm các bạn rất phấn khích, vừa giúp học sinh hào hứng hơn trong tiết học. Mình cũng khuyến khích các bạn học bài cũ chăm chỉ và xung phong lên bảng, cô tặng hoa điểm 10 đầu xuân cho bạn nào có ý thức học tập tốt, phương pháp này cũng làm cho các chăm chỉ hơn.
Đối với những bạn lớp 9, mình vừa dành thời gian dạy học và tâm sự cùng các bạn, giải đáp những thắc mắc trong cả cuộc sống lẫn bài học. Mình thường khuyên các em nên cần bằng thời gian, đặc biệt dành thời gian cho việc học vì đây là giai đoạn gấp rút, nếu không lấy lại tinh thần sẽ khiến các bạn tút dốc, tâm lý các bạn cũng đang trong độ tuổi mới lớn nên cần những phương pháp chỉ và dạy hiệu quả.”, cô Tám cho biết thêm.
"Ngại" học là tâm lý chung của Lứa tuổi mầm non, tiểu học THCS sau những kỳ nghỉ dài ngày |
Uể oải, chán nản là tâm lý chung của nhiều học sinh khi quay trở lại trường học, đặc biệt trong độ tuổi mầm non, cấp tiểu học, THCS. Cô Nguyễn Thị Hải, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phú (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với các con trong độ tuổi tiểu học, cần các phương pháp vừa học vừa chơi, chơi ở đây có thể bao gồm các trò chơi kiến thức, các câu chuyện dân gian đan xen vào các bài học để các con dễ tiếp thu và có tinh thần sẵn sàng trở lại học tập hơn.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên cần bằng thời gian nghỉ ngơi cho các con sau Tết, tránh để các bạn chơi quá nhiều điện thoại hay thức khuya để đọc truyện, cày phim, thay vào đó là các hoạt động hỗ trợ cha mẹ. Vài ngày trước khi đi học, các con cần được kéo trở lại nhịp sống thường ngày lại để tránh mang tinh thần uể oải, trống rỗng, không muốn động vào sách vở.
Thầy cô cũng như phụ huynh nên tận tình chỉ dạy và quan sát những hoạt động của con, để trẻ cảm nhận được không khí ngày Tết nhưng vẫn có tinh thần thoải mái khi trở lại trường học.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên tạo cho con thói quen tự lên kế hoạch, sắp xếp thời gian biểu của mình. Theo đó, bố mẹ nên ngồi chung với con để sắp xếp lại kế hoạch học tập và ôn lại kiến thức ở trường. Với những trẻ mầm non hoặc tiểu học, do trẻ còn nhỏ, đôi khi sự tự giác chưa cao nên cần có sự đồng hành của cha mẹ để thôi thúc học tập. Những câu động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, không bị ép buộc, từ đó trẻ sẽ thoải mái trở lại việc học tập hơn.”