A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vấn đề pháp lý vụ cháu bé lọt hố bê tông ở Đồng Tháp

Các luật sư cho rằng, ngoài công tác giải cứu cháu bé bị rơi xuống hố bê tông chôn sâu 35m, dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của các bên liên quan cả mặt hành chính, lẫn hình sự.

Vấn đề pháp lý vụ cháu bé lọt hố bê tông ở Đồng Tháp

Lực lượng chức năng tích cực thực hiện việc giải cứu nạn nhân. Ảnh: Thanh Bình

Ngày 3/1, trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, sự việc để người bên ngoài, cụ thể là cháu bé đi vào khu vực công trình đang thi công và xảy ra tai nạn lọt xuống hố bê tông chôn sâu 35m, là một tai nạn đáng tiếc.

Nhà thầu và các đơn vị liên quan cần phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện biện pháp giải cứu một cách khẩn trương nhất, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho cháu bé.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích vụ việc bé trai rơi xuống hố bê tông, dưới góc nhìn pháp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích vụ việc bé trai rơi xuống hố bê tông, dưới góc nhìn pháp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ tai nạn này cho thấy, công tác quản lý, giám sát khu vực thi công, công trường đang thi công còn lỏng lẻo, còn tồn tại nhiều rủi ro và bất cập, có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 về thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong phạm vi công trình xây dựng đang thi công.

Bởi vậy, sau khi triển khai xong các biện pháp để giải cứu, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đồng cho hay, cơ quan chức năng cần điều tra để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của từng bên để có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Căn cứ Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ thi công xây dựng tại khoản 1, Điều 7 của Nghị định này đã quy định rõ việc phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong việc quản lý xây dựng công trình, các chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình bao gồm: Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công xây dựng; Nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; Các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác.

Như vậy, nếu theo quy định này, trách nhiệm giữa các chủ thể trong quản lý công trình gồm những đơn vị trên. Khi xảy ra tai nạn lao động, tai nạn do không đảm bảo an toàn lao động, vi phạm an toàn lao động xảy ra ở khâu nào thì sẽ quy kết trách nhiệm ở khâu đó, đơn vị nào chịu trách nhiệm phần việc ở khâu nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính ở khâu đó. Còn các đơn vị khác sẽ chịu trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra, tại điểm đ, khoản 1, Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ có nêu rõ nội dung quản lý xây dựng công trình bao gồm cả quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; tại khoản 2, khoản 5, Điều 13 trách nhiệm của nhà thầu thi công bao gồm đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.

Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khu vực có công trình đang thi công.

Việc để người bên ngoài, cụ thể là cháu bé có thể dễ dàng đi vào khu vực công trình đang thi công rồi xảy ra tai nạn tụt xuống hố sâu có thể là trách nhiệm của nhà thầu và những cá nhân, tổ chức đã được nhà thầu giao nhiệm vụ. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, phạm vi trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức mà hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lực lượng chức năng làm việc xuyên đêm để cứu cháu bé. Ảnh: Phong Linh

Lực lượng chức năng làm việc xuyên đêm để cứu cháu bé. Ảnh: Phong Linh

Luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích thêm, nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định 12/2022 về vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, mức phạt lên tới 10 triệu đồng.

Trường hợp có hậu quả chết người xảy ra, nạn nhân có thương tích hoặc tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên, có thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để xảy ra sự việc, nhằm xem xét xử lý về các tội danh như: "Vi phạm quy định về an toàn lao động" quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự, hình phạt tại khoản 1 Điều 295 là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm, khung hình phạt sẽ cao hơn nếu tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại xảy ra lớn hơn.

Còn đối với cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để hậu quả tai nạn lao động, hậu quả mất an toàn lao động gây thiệt hại về người, tài sản, thì có thể sẽ bị xem xét xử lý về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, tùy vào thiệt hại xảy ra đối với nạn nhân là cháu bé mà cá nhân, tổ chức liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 590 bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 591 bồi thường do tính mạng bị xâm phạm của Bộ luật Dân sự năm 2015.


Tác giả: VIệt Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật