"Khoái khẩu" món tiết canh, bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn tiết canh, người đàn ông (60 tuổi, ở Hà Nội) thấy đau mỏi thắt lưng, run tay chân, đi khám mới phát hiện mắc liên cầu khuẩn lợn.
Suýt mất mạng vì món ăn ưa thích
Bệnh nhân 60 tuổi, sống ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Đây cũng là trường hợp thứ 12 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023 theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC).
Tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người nhưng lại là ổ chứa vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn |
Trước khi nhập viện, người này thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn tiết canh. Ngày 20/6, bệnh nhân xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ.
Một ngày sau, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp, được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì điều trị.
Ngày 24/6, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105. Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, nghiện rượu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại cơ sở y tế này, kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh liên cầu lợn có diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây 2 thể viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng.
Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không? Có những bệnh nhân quá nặng đã không thể qua khỏi".
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; Cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định.
Số ca mắc liên cầu lợn tăng
Theo CDC Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.
Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có một ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc liên cầu lợn ở Hà Nội 7 tháng năm nay tăng thêm 11 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, toàn thành phố chỉ có 1 ca mắc liên cầu lợn.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại bệnh viện (Ảnh minh họa) |
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó chủ yếu có lợn và người. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh, lợn chết mà không có đồ bảo hộ…
Người dân khi ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
Ngoài ra, CDC thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn. Đồng thời, CDC tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn; Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; Chịu trách nhiệm giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch...