A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ba Vì nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam

Núi Ba Vì hay còn gọi là Tản Viên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) từ xưa đến nay được thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều dược liệu quý. Nắm bắt được đặc tính, công dụng, cho đến tỉ lệ kết hợp, pha trộn giữa các thảo dược nên tự bao đời nay, đồng bào người Dao sinh sống ở đây đã tạo ra những bài thuốc cổ truyền dân tộc chữa nhiều chứng bệnh, từ đó mang lại kế sinh nhai và nguồn thu nhập quan trọng cho các gia đình người Dao.

Gìn giữ nghề thuốc quý

Ba Vì là huyện nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nguồn dược liệu vô cùng quý hiếm với số lượng lớn. Khu vực núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu. Cũng tại đây, đồng bào dân tộc Dao, Mường đã bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam từ nhiều đời.

Hàng trăm năm trước, người Dao đã tới định cư tại vùng núi Ba Vì, họ sinh sống trên các triền núi. Bằng những kinh nghiệm từ nhiều đời, người Dao đã biết cách sử dụng các loài cây thành các bài thuốc quý để phòng, chữa bệnh cho gia đình, cho người dân trong bản và nơi khác.

Theo lời kể của những người dân bản địa, cách đây 30 năm, đồng bào người Dao đã xuống núi định cư thành các thôn đến tận bây giờ. Nhiều thế hệ người Dao đã lưu giữ và phát huy các bài thuốc gia truyền chữa bệnh cứu người, nhiều thôn đã được công nhận là làng nghề thuốc nam truyền thống.

Ba Vì nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam

Nghề thuốc được người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) gìn giữ không chỉ để chữa bệnh cứu người mà còn làm thay đổi cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững

Là người kế thừa các bài thuốc nam gia truyền, chị Lý Thị Mỹ Châu (dân tộc Dao sinh sống tại xã Vân Hòa, Huyện Ba Vì) chia sẻ: Các bài thuốc cổ người Dao chủ yếu được truyền miệng, được bà, mẹ "cầm tay chỉ việc" bằng cách đưa con cháu lên trên rừng và dạy bảo từng loại cây, phân biệt theo hình dáng, vân gỗ, lá... Khi lớn lên, cứ thế mà phát huy các bài thuốc, trồng cây thuốc giúp xóa đói giảm nghèo, gìn giữ nét đẹp văn hóa của ông cha.

Cũng theo chị Lý Thị Mỹ Châu, các loại cây thuốc quý như: Lá Khôi, Đơn đỏ, Đỗ trọng nam… phải leo trèo trên rừng, núi hoặc tìm ở các ven suối. Các cây thuốc nam người Dao chủ yếu là sống dưới các tán lá rừng, việc đi tìm kiếm thuốc rất khó khăn và nguy hiểm, chính vì thế một số cây quý đã được đưa về trồng tại vườn nhà.

Nhận thấy việc phát triển nhỏ lẻ sẽ khó có thể phát triển bền vững, vì thế đến nay hầu hết các thôn ở xã Ba Vì đã thành lập Hợp tác xã và các công ty thành viên. Người dân cũng đồng lòng xây dựng, quảng bá thương hiệu thuốc nam Ba Vì.

Theo Lương y Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Chi hội Nam y Ba Vì: "Chi hội đã tham gia liên kết với Hội Đông y huyện Ba Vì xây dựng thương hiệu tập thể "Dược liệu và thuốc Nam Ba Vì", được UBND thành phố Hà Nội cho phép, Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu tập thể và lô gô thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ toàn quốc".

Một số hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc nam hiện đại, đạt tiêu chuẩn (GMP), làm ra nhiều sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các loại trà thảo dược, mỹ phẩm dược liệu… từ các bài thuốc nam cổ truyền người Dao. Nhờ đó góp phần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, thuốc của các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có nguồn tiêu thụ dồi dào, mang lại lợi ích cho bà con trong xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu.

Ba Vì nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam

Cây thuốc Nam đã mang lại thu nhập, giúp không ít gia đình đồng bào dân tộc Dao thoát nghèo

Cần có cơ chế bảo tồn, nhân rộng những giống cây thuốc quý

Có thể thấy rằng, cây thuốc Nam đã mang lại thu nhập, giúp không ít gia đình đồng bào dân tộc Dao thoát nghèo. Tuy nhiên, trong dòng chảy của thời gian, nghề thuốc Nam của người Dao ở xã Ba Vì cũng đứng trước nhiều thách thức lớn.

Nghệ nhân Dương Thị Bình (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết, bản thân đã gắn bó với nghề thuốc Nam từ năm 11 - 12 tuổi. Trước năm 1996, nguồn dược liệu rất phong phú, dồi dào. Bà con cứ lên rừng là bài thuốc gì cũng có.

Thế nhưng sau thời gian dài bị khai thác, nhiều loại cây thuốc suy giảm về số lượng. Nhiều cây thuốc nay cũng không còn được tìm thấy nữa. Năm 1996, Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên. Cũng kể từ đó, đồng bào dân tộc Dao không còn được tự do vào rừng tìm kiếm, khai thác cây thuốc như trước.

Bí thư Chi bộ thôn Hợp Sơn Dương Trung Thân cho biết, từ những năm 1990, khi “hạ sơn quần cư”, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao các thôn bản đã cố gắng nhân trồng các loại dược liệu. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế nên năng suất và chất lượng của cây thuốc mang lại không cao.

“Một bộ phận người dân làm nghề thuốc Nam tại xã Ba Vì phải ngày ngày lặn lội đường xa, tìm đến những tỉnh, thành khác như Hòa Bình, Phú Thọ, thậm chí là Lạng Sơn, Hà Giang để tìm kiếm thảo dược cho các bài thuốc truyền thống…” - ông Thân chia sẻ.

Cùng với nỗi lo vùng nguyên liệu ngày một cạn kiệt, thực tế hiện nay tại xã Ba Vì, những người còn theo nghề thuốc Nam chủ yếu là nghệ nhân đã có tuổi. Trong khi thế hệ trẻ được học hành đến nơi đến chốn, đều cố gắng tìm kế sinh nhai ở những chốn đông đúc, khu, cụm công nghiệp. Đơn cử như gia đình nghệ nhân Dương Thị Bình ở thôn Hợp Sơn, có 8 người con nhưng đến nay không còn ai theo nghề thuốc Nam.

Ba Vì nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn thăm Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn

Trước những khó khăn, thách thức đe dọa sự mai một của nghề thuốc Nam truyền thống, đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Tản Viên đang cố gắng từng bước thay đổi để thích ứng. Theo nghệ nhân Triệu Thị Chính, hiện ở cả 3 thôn, thay vì bốc lá thuốc, nhiều hộ đã chuyển sang nấu cao để bán. Điều này mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Với sự hỗ trợ của các sở, ngành thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, đến nay các hộ dân đều đã biết đóng gói bao bì, in nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số nghệ nhân đã tiếp cận được với các kênh bán hàng trực tuyến (online), livestream và liên kết với các nhà thuốc để đưa sản phẩm thuốc Nam (chủ yếu là dạng cao) vào tiêu thụ…

Đại diện lãnh đạo xã Ba Vì cho biết, để phát triển nghề cây thuốc Nam, Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ đất canh tác và kỹ thuật sản xuất để bà con có thể bảo tồn, nhân rộng những giống cây thuốc Nam quý hiếm, có nguy cơ cạn kiệt.

Việc phát triển du lịch cộng đồng tại xã Ba Vì mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Không chỉ mở rộng giao lưu cho đồng bào dân tộc nơi đây mà thông qua dịch vụ du lịch, sẽ có ngày càng nhiều người dân biết đến những bài thuốc quý cổ truyền. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị cây thuốc Nam của người Dao.


Tác giả: NGỌC HÀ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật