A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ đưa ra khuyến cáo trước số lượng bệnh nhi nhập viện tăng vọt

Số lượng bệnh nhi thăm khám, nhập viện tăng vọt khiến cơ sở y tế quá tải, bác sĩ chuyên ngành ở Trung tâm nhi Bệnh viện Trung ương Huế đã có những khuyến cáo.

​ Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại Trung tâm nhi, Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Phúc Đạt.

​ Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại Trung tâm nhi, Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Phúc Đạt.

Quá tải, nhiều ca nặng

Ngày 22/11, trao đổi với Lao Động, ThS.BS Phạm Hữu Trí - Phó Giám đốc Trung tâm nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, mỗi ngày có khoảng 300 đến 350 bệnh nhi đến thăm khám và nhập viện điều trị ở trung tâm khiến đơn vị quá tải. Tuy nhiên, dù quá tải nhưng với sự nỗ lực của các y, bác sĩ thì mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo ThS.BS Phạm Hữu Trí, các bệnh nhi tăng đột biến và tập trung ở 2 khoa là: Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới và Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng.

Ở Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu vì sốt xuất huyết (đủ độ tuổi) và rối loạn đường tiêu hóa (chủ yếu từ 3 đến 5 tuổi); ở Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng, các trẻ bị bệnh liên quan đường hô hấp và chủ yếu là bị hen suyễn.

ThS.BS Phạm Hữu Trí cho biết, hiện tại ở trung tâm đã và đang điều trị cho các bệnh nhi bị hen và sốt xuất huyết diễn tiến nặng đến rất nặng, nhiều bệnh nhi buộc trung tâm phải áp dụng Kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo hay còn gọi là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) để qua cơn nguy kịch.

Tuyệt đối không chủ quan

Nói về nguyên nhân số lượng bệnh nhi tăng, ThS.BS Phạm Hữu Trí cho biết, thời điểm này nằm trong chu kỳ bùng dịch sốt xuất huyết nên bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện tăng.

Ngoài ra, đây là thời điểm giao mùa cũng như năm nay thời tiết khắc nghiệt nên bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng cao. Nhiều trẻ diễn biến nặng vì một lúc mắc nhiều bệnh nên khó khăn cho việc theo dõi, điều trị.

Trung tâm nhi, Bệnh viện Trung ương Huế quá tải do số lượng bệnh nhi thăm khám, nhập viện tăng vọt. Ảnh: Phúc Đạt.

Trung tâm nhi, Bệnh viện Trung ương Huế quá tải do số lượng bệnh nhi thăm khám, nhập viện tăng vọt. Ảnh: Phúc Đạt. 

ThS.BS Phạm Hữu Trí khuyến cáo, các bậc phụ huynh có con em có tiền sử bệnh hen phải đặc biệt để ý đến sức khỏe của trẻ. Phải đảm bảo cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng; đảm bảo thân nhiệt cho trẻ nhất là buổi sáng và buổi tối. Khi đi ra đường cần mặc đủ ấm cho các cháu tránh lạnh, gió lùa.

Khi trẻ lên cơn hen, phụ huynh đã dùng thuốc đặc hiệu nhưng trẻ vẫn khó thở, diễn biến nặng thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để y, bác sĩ kịp thời xử lý.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, ThS.BS Phạm Hữu Trí đưa ra các lưu ý:

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan. Cụ thể, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Thứ hai, hết sốt không phải là khỏi bệnh. Cụ thể, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy đỡ khó chịu trong người nhưng đây lại là thời điểm quyết định cần kiểm soát bệnh chặt chẽ.

Ở thời kỳ này, triệu chứng mới bắt đầu nhận rõ như: Xuất huyết dưới da, chảy máu lợi, chân răng, chảy máu cam. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Thứ ba, sốt xuất huyết có thể mắc lại nhiều lần. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra do 4 type (D1, D2, D3, D4). Cả 4 type virus này đều đang lưu hành và gây ra dịch bệnh tại Việt Nam. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ, vì vậy bệnh nhân có thể mắc lại nếu nhiễm các type khác.

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên như: Nằm nghỉ ngơi; ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt.

Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh. Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

ThS.BS Phạm Hữu Trí khuyến cáo: "Tính đến thời điểm này, chưa có thống kê hay nghiên cứu đánh giá nào cụ thể về việc ảnh hưởng hậu COVID-19 đến tình hình bệnh ở trẻ em hiện nay. Tuy nhiên, cơ thể của trẻ từng bị mắc COVID-19 chắc chắn sẽ bị giảm sức đề kháng cũng như yếu về đường hô hấp. Vì vậy, khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế thì gia đình tuyệt đối lưu ý phải khai báo là trẻ đã từng mắc COVID-19 để bác sĩ nắm cũng như tìm phác đồ điều trị phù hợp".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật