Bệnh sởi gia tăng tại Quảng Nam, nguy cơ cao ở trẻ chưa tiêm phòng
Số ca bệnh sởi ở Quảng Nam đang tiếp tục gia tăng. Trong đó, nhiều trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, do chưa được tiêm phòng vaccine.
Số ca bệnh sởi tăng nhanh, Quảng Nam khẩn trương triển khai tiêm phòng và dập dịch. Ảnh: CDC Quảng Nam
63 ca bệnh sởi
Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam đã ghi nhận ít nhất 63 ca bệnh sởi, chủ yếu ở trẻ em với triệu chứng ban đầu giống với sốt phát ban.
Từ ổ dịch sốt phát ban nghi do sởi ban đầu tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, đến nay, dịch bệnh sởi đã bùng phát, lan rộng ra 15 huyện/thị xã/thành phố trên toàn tỉnh gồm (19 ca ở Nam Trà My, 10 ca ở Bắc Trà My, còn lại rải rác ở các huyện), tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (không có trường hợp nào). Đáng lo ngại, có đến 56/63 trường hợp mắc sởi (chiếm 88,9%) chưa được tiêm hoặc chưa đủ tuổi tiêm vaccine phòng sởi, 62/63 ca bệnh là trẻ em.
Bà Hồ Thị Tha, ở thôn 4, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My cho biết, để đưa được con lên Trung tâm Y tế huyện khám, gia đình phải nhờ dân làng khiêng đường bộ gần 3 tiếng mới ra được nơi có xe máy đưa đến Trung tâm y tế huyện. “Con đau mãi không khỏi, gia đình rất lo lắng. Phải mượn người khiêng võng ra đường để chở lên viện, vì ở đây xa xôi, không có thuốc thang gì” - bà Tha nói.
Trả lời Báo Lao Động, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho hay, nguyên nhân khiến số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh gia tăng là do tỉ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm, bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gián đoạn cung ứng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023.
Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây, là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
“Ngành y tế toàn tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Mục tiêu là kiểm soát, phòng ngừa lây lan, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong" - ông Mai Văn Mười cho biết.
Bám trụ miền núi để dập dịch
Theo bác sĩ Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh sốt phát ban là do lây nhiễm virus human herpes 6 hoặc 7 (virus sởi, virus rubella).
Sốt phát ban thông thường sẽ khỏi sau vài ngày điều trị, nhưng sốt do sởi thì để lại biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong đối với những bệnh nhi mắc cùng lúc một số bệnh khác nhau, như viêm phổi, viêm phế quản… Cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban tốt nhất, hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccine đối với các loại bệnh đã có vaccine như sởi, rubella.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CDC tỉnh Quảng Nam đã cử đội phản ứng nhanh ngày đêm vượt núi, băng rừng đến các thôn, nóc của huyện Nam Trà My để dập dịch.
Đến nay, huyện Nam Trà My có gần 60 trẻ sinh từ năm 2013 - 2024 có triệu chứng sốt và phát ban nghi do sởi, được điều trị tại các cơ sở y tế. Phần lớn trẻ không được chăm sóc tốt, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, nên bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Luận, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, cùng với sự hỗ trợ của ngành y tế tỉnh, lực lượng y tế huyện đang bám trụ tại xã Trà Leng, Trà Dơn… để vận động bà con đưa trẻ ra trạm khám, trường hợp bệnh nặng thì chuyển lên Trung tâm y tế huyện để cứu chữa kịp thời.
“Đơn vị cũng đã chủ động hỗ trợ bữa ăn, tích cực điều trị để các em sớm ra viện. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở Nam Trà My cơ bản được kiểm soát, khống chế” - bác sĩ Luận cho biết.
“Ngành y tế toàn tỉnh đang tập trung điều tiết, cấp bổ sung Vitamin A liều cao cho Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị bệnh nhân sởi, sốt phát ban nghi sởi" - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin.