A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế đánh giá tình hình phòng chống Covid-19: Trạm y tế lưu động là giải pháp đột phá

Trong Quyết định ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022 mà Bộ Y tế vừa ban hành, phần đánh giá về dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021 có nhiều thông tin đáng chú ý.

Một trạm y tế lưu động tại TP HCM.

Một trạm y tế lưu động tại TP HCM.

Vì sao số F0 tử vong còn cao?

So với thời kỳ tháng 8 - 9/2021, số tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao (khoảng 200 ca/ngày). Trung bình số tử vong khoảng 7 ngày qua là 159 ca/ngày. Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vaccine (tại TP HCM, An Giang... có 85% trường hợp tử vong chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi).

Số ca nhiễm trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế một số địa phương.

Bộ Y tế đánh giá, nguyên nhân do một số hạn chế, bất cập trong thu dung điều trị tại cơ sở. Năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập nhất là khi số ca bệnh nặng tăng cao. Một số địa phương chưa chủ động trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc. Tại một số địa phương phía Nam gặp khó khăn về nhân lực điều trị bệnh nhân chuyển nặng, bệnh nhân nặng do còn dựa vào lực lượng hỗ trợ của Trung ương.

Qua hai năm chống dịch, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện nguy cơ lây nhiễm cao bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc... Ngành Y tế đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.

Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu thu dung điều trị F0 nặng, nguy kịch.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa triển khai sát với hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, dẫn đến người có nguy cơ cao, rất cao điều trị tại nhà; quản lý F0 tại nhà chưa tốt. Một số trường hợp F0 tự phát hiện không báo cơ sở y tế, một số trường hợp F0 báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời.

Bộ Y tế cũng chỉ ra tình trạng: “Người bệnh nặng đến các cơ sở tầng 3 ở giai đoạn muộn do tự điều trị tại nhà hoặc chuyển tuyến dưới chậm. Điều phối chuyển viện, chuyển tầng chưa hợp lý, một số tỉnh chưa triển khai quản lý tại nhà các trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, gây quá tải hệ thống BV”.

Lý do nữa là do việc sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. F0 dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm và nhiều địa phương chưa đầu tư tăng cường năng lực hồi sức tích cực.

 

Nhiều giải pháp cần duy trì phát triển

Tại Việt Nam, từ đầu 2020 đến nay, đã trải qua 4 đợt bùng phát. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Trong giai đoạn 2 (đợt dịch thứ 4 đến nay), chúng ta đã chuyển hướng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch”.

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, ngành Y đã triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng với các tình huống về dịch bệnh; như thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực, BV dã chiến; tổ chức việc phân tầng điều trị (mô hình tháp 3 tầng) với sự hỗ trợ chuyên môn giữa các tầng thông qua hình thức hội chẩn trực tuyến, trực tiếp; trang bị hệ thống oxy y tế, nhất là hệ thống oxy lỏng cho các BV, oxy bình cho các Trạm Y tế để thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ hô hấp.

Ngành Y đã huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ sở y tế công lập và tư nhân, tuyến trên, tuyến dưới để tăng cường tối đa khả năng thu dung, điều trị. Huy động nguồn nhân lực y tế từ các chuyên ngành, từ các BV trung ương, tuyến tỉnh để tăng cường cho các địa bàn trọng điểm...

Đặc biệt, việc thành lập các trạm y tế lưu động tại cấp xã là giải pháp đột phá, giúp người dân tiếp cận y tế ngay, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà, huy động sự tham gia của cộng đồng ở địa phương có nhiều F0.

Những giải pháp này giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, góp phần giảm bệnh nặng và tử vong. Số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn khoảng 200 ca/ngày. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8-9/2021).

Về thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, Bộ Y tế đánh giá, đến nay, cơ bản đã đảm bảo kịp thời nhu cầu. Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, ban hành các cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu, cấp phép và nghiên cứu, sản xuất thuốc trong nước.

Với mặt hàng oxy y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng điều chuyển mục đích sử dụng oxy dùng cho công nghiệp sang cho y tế, giảm thiểu tình trạng thiếu oxy cho điều trị, đồng thời triển khai một số giải pháp nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt oxy cục bộ tại một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, oxy cho y tế còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu oxy dùng trong sản xuất thép và một số ngành công nghiệp đang tăng cao do sản xuất phục hồi.

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật