Cần cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu trên khi phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội (QH) về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (sửa đổi) chiều nay, 26/5.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Cần đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong KCB trẻ em
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu QH bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động KCB.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.
Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc sửa luật là rất cần thiết, bởi sức khỏe của người dân là vấn đề thiết yếu, quan trọng, trong khi đó, Luật KCB ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân.
Quan tâm tới đối tượng trẻ em, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ em là tương đối lớn, trẻ em là tương lai của đất nước, cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, dự thảo luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong KCB trẻ em.
Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị bổ sung các nội dung liên quan nhằm đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như quy định trong Luật Trẻ em năm 2016.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối tượng trẻ em cần được mở rộng là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016 thay vì quy định dưới 6 tuổi.
Theo Chủ tịch nước, trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn phải được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần.
Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt.
Cùng với đó, các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ khám chữa bệnh.
Chủ tịch nước cũng đề nghị quy định không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả như ung thư, tim hoặc áp dụng mức trần cao hơn với trẻ em, tiến tới xoá bỏ thời hạn trần chi trả bảo hiểm y tế.
Cần quy định về nguyên tắc để sắp xếp lại hệ thống các cơ sở y tế
Bày tỏ đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, với những công việc mới, khó, chưa từng có tiền lệ, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong hệ thống y tế đặc biệt quan trọng.
Theo đại biểu, dù hệ thống chính sách pháp luật đã liên tục được hoàn thiện nhưng dịch bệnh đã chỉ ra không ít bất cập, hạn chế trên thực tế.
QH đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó trao một số quyền cho Uỷ ban Thường vụ QH căn cứ từng nhiệm vụ cụ thể cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định trong luật để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu. |
Đại biểu cho rằng, đây là việc chưa từng có tiền lệ, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động của QH với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Trong bối cảnh đó, đại biểu cho rằng, Luật KCB là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho người dân.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, quy định trong dự thảo Luật đã thay đổi căn bản hệ thống cơ sở KCB tại Việt Nam.
Về hệ thống cơ sở KCB, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở KCB của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chia hệ thống KCB này thành 3 cấp chăm sóc.
Để đảm bảo sự thống nhất hệ thống y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần có quy định về nguyên tắc làm cơ sở để sắp xếp lại hệ thống các cơ sở y tế.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (đoàn TP Hà Nội) và nhiều Đại biểu khác nêu quan điểm đề nghị nên duy trì tổ chức Thanh tra cấp huyện như hiện nay. “Chúng ta có 4 cấp chính quyền, nếu bỏ Thanh tra cấp huyện và dồn phần việc này lên cho Thanh tra cấp tỉnh thì trong thực tiễn rất khó đáp ứng yêu cầu”, Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nói, nhấn mạnh thực tế cơ bản những sai phạm nảy sinh trong thực tiễn những năm vừa qua đều xuất phát từ cấp cơ sở như thôn, xã, thị trấn…