A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi hàng trăm triệu đồng để phẫu thuật kéo dài chân

Dịch vụ phẫu thuật kéo dài chân ngày càng phổ biến tại Việt Nam, trong đó, khách hàng trẻ tuổi chiếm phần lớn. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, phẫu thuật kéo dài chân thường chỉ định với 2 nhóm đối tượng và cần cẩn trọng với những biến chứng sau phẫu thuật.

Chi hàng trăm triệu đồng để phẫu thuật kéo dài chân

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh trước và sau khi phẫu thuật kéo dài chân thêm 7cm. Ảnh: NVCC.

Vượt lên nỗi đau để có thể hình như mong muốn

Tháng 2.2024, anh Nguyễn Trọng Đức (SN 1992, TP. Hồ Chí Minh) quyết định phẫu thuật kéo dài chân tại một bệnh viện ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh).

Đến nay đã hơn 4 tháng kể từ phẫu thuật, anh Đức cho biết, tình trạng chân phục hồi khá tốt, có thể đi đứng bình thường trong khung tập đi.

“Trước khi phẫu thuật, tôi cao 1m67 nên rất mặc cảm so với bạn đồng trang lứa, tạng người mỏng nên nhìn yếu ớt” - anh Đức trải lòng.

Hình ảnh chân của anh Đức lúc mới phẫu thuật xong (bên trái) và hiện tại (bên phải). Ảnh: NVCC.

Hình ảnh chân của anh Đức lúc mới phẫu thuật xong (bên trái) và hiện tại (bên phải). Ảnh: NVCC.

Anh Đức chia sẻ, ca phẫu thuật kéo dài chân thêm 8cm thành 1m75 đã diễn ra thành công ngoài sức mong đợi.

“Chắc chắn đau đớn là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, so với những ám ảnh trong quá khứ, từng bị bạn bè trêu chọc hồi cấp 2 thì tôi sẵn sàng vượt qua để có thân hình tự tin hơn” - anh Đức cho hay.

Được biết, ca phẫu thuật kéo chân của anh Đức hết 160 triệu đồng, ngoài ra, chi phí hậu phẫu thuật thêm khoảng 60 triệu đồng/6 tháng.

“Ngoài ra, sau phẫu thuật, tôi phải nghỉ ở nhà khoảng 1 năm để ổn định, do đó phải có một khoản quỹ dự phòng khác để lo chi tiêu cuộc sống”, anh Đức cho hay.

Cũng từng thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1997, Hà Nội) cho biết, trong khoảng thời gian du học tại Trung Quốc, từng bị tuột mất nhiều cơ hội, tham gia hoạt động ở trường luôn bị ngó lơ chỉ vì chiều cao 1m48.

Chị Ngọc Anh cho biết, ước mơ của bản thân là cải thiện chiều cao để được sống “bình thường” như bao người, không bị gièm pha từ những người xung quanh.

Chụp X-quang tình trạng chân của chị Ngọc Anh. Ảnh: NVCC.

Chụp X-quang tình trạng chân của chị Ngọc Anh. Ảnh: NVCC.

“Năm 2021, tôi đã thăm khám tại một Bệnh viện tuyến Trung ương và thực hiện ca phẫu thuật tại một Bệnh viện Quốc tế ở Hà Nội để tăng thêm 7cm”, chị Ngọc Anh cho hay.

Cũng theo Ngọc Anh, ngoài việc chuẩn bị tài chính vững vàng khoảng 300 - 500 triệu/đồng, bản thân chị tự nhủ phải giữ vững tâm lý, vượt qua sự ngăn cấm từ gia đình và có thể đối diện với rủi ro về sau.

Đổi lại, sau 3 năm đưa ra quyết định, Ngọc Anh cho hay chưa từng hối hận vì những gì đã làm.

“Tôi như được sống một cuộc đời rất khác, tự tin diện những bộ váy mà trước đây chưa dám mặc, giao lưu và kết bạn rất thoải mái, thậm chí công việc cũng rất thuận lợi” - chị Ngọc Anh chia sẻ.

Hiện, chị Ngọc Anh là quản trị viên của một group Facebook có 500 thành viên với mục đích chia sẻ kinh nghiệm về phẫu thuật kéo dài chân cho những người mới.

Cẩn trọng với những biến chứng sau phẫu thuật kéo dài chân

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Ths. BS Lê Thị Hải - Nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết, phẫu thuật kéo dài chân là phương pháp giúp con người có thể tăng chiều cao trung bình từ 5 - 10cm.

Tuy nhiên, người thực hiện kéo chân cũng cần lưu ý đến những biến chứng sau phẫu thuật như: Chảy máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng chân đinh, co ngắn gân gót,...

“Nếu chúng ta không quá thấp hoặc gặp vấn đề về hai chân lệch nhau thì không nên thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, chỉ cần chú ý đến dinh dưỡng, vận động hàng ngày để đảm bảo duy trì sức khoẻ tốt” - Ths. BS Lê Thị Hải đưa lời khuyên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Đoàn - Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay, chỉ định kéo dài chân thường chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1m50, nam dưới 1m60) hoặc người mắc các dị tật, thương tật.

Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn.

Về độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân, thì lứa tuổi từ 20-30 tuổi là tốt nhất, vì lúc đó chiều cao cơ thể đã hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

"Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới.

Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài", PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan