Chuyên gia lý giải về sự cần thiết tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Nhiều chuyên gia Bộ Y tế lý giải về sự cần thiết tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Ảnh minh họa
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu được tiêm vaccine khi không may mắc COVID-19 sẽ ít có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Ngoài ra, qua theo dõi, những trẻ em từng mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài như tình trạng hậu COVID-19 và cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí nhiều bé bị viêm đa hệ, viêm cả các cơ quan khác, đây là biểu hiện nghiêm trọng, hiếm gặp nhưng vẫn được ghi nhận trên thế giới.
“Chính vì vậy, việc tiêm vaccine là cần thiết vì không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm”, ông Lân nói.
Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cho rằng, so với tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi thì tiêm cho trẻ 5-11 tuổi lại an toàn hơn rất nhiều vì trẻ ở tuổi này chưa dậy thì, ít có nguy cơ xảy ra phản ứng phụ sau tiêm. Vaccine COVID-19 Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi. Khi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, liều thuốc còn 10 microgram. Tỉ lệ trẻ 5-11 tuổi sau tiêm gặp phản ứng phụ viêm cơ tim càng thấp hơn.
“Khi tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này, trên tinh thần tự nguyện, nếu gia đình nào còn băn khoăn, lo lắng thì có thể theo dõi thêm. Còn với trẻ nguy cơ cao như béo phì, có bệnh lý nền, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, có thể cho trẻ tiêm sớm để trẻ được bảo vệ khỏi COVID-19”, BS Khanh nói.
Trong khi đó, TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khẳng định, qua các dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ của vaccine Pfizer (loại vaccine được nhiều nước chấp thuận tiêm cho trẻ nhỏ) cũng giống với các vaccine cơ bản mà trẻ tiêm vào những tháng đầu đời. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài.
Tuy nhiên, ông Thái cũng lưu ý, trẻ em không như người lớn, sau tiêm có thể đau khóc hoặc mải chơi, dẫn tới khả năng thông báo cho người lớn về sức khỏe sẽ kém hơn. Do đó, khi tiêm cho trẻ, các nhân viên y tế cần cẩn trọng hơn, dặn dò gia đình theo dõi dấu hiệu triệu chứng sau tiêm