A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng bị ngập úng

Trong những ngày qua, các đợt mưa lớn trên diện rộng khiến một số địa phương bị ngập úng, trong đó tập trung tại nhiều xã của huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tăng cường đáp ứng công tác y tế trong và sau mưa lũ.

Đảm bảo công tác y tế các vùng ngập úng

Theo thông tin của Sở Y tế, hiện toàn huyện Chương Mỹ còn 12/32 xã, thị trấn bị ngập, với gần 2.800 hộ bị ngập; huyện Quốc Oai có 4/21 xã bị ngập, với trên 400 hộ bị ngập.

Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.

TTYT huyện Chương Mỹ tổ chức điểm cấp phát thuốc lưu động cho người dân tại xã Nam Phương Tiến.

TTYT huyện Chương Mỹ tổ chức điểm cấp phát thuốc lưu động cho người dân tại xã Nam Phương Tiến (Ảnh: Sở Y tế)

Tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường; tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu; phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động tiến hành theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập.

Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thống kê các sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của các sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại các vùng không bị ngập.

Các đơn vị đã có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện đưa các sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với các trường hợp phát sinh.

Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, có 3 thôn bị cô lập hoàn toàn, Trạm Y tế đã tổ chức cấp thuốc tại nhà cho những trường hợp người dân bị bệnh mạn tính; bệnh ngoài da, mắt, tiêu chảy…

Còn tại huyện Quốc Oai, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được ngành Y tế và chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã cấp phát 10kg Cloramin B 25% đến các xã bị ngập phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường; chỉ đạo trạm y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn và xử trí người bệnh tại các vùng bị ngập.

Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh

TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trước tình hình mưa lũ kéo dài tại một số huyện ngoại thành, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện và TTYT thành lập các tổ cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch cơ động. Huyện Chương Mỹ đã thành lập 4 tổ cấp cứu cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân tại các vùng bị ngập úng.

Đặc biệt, các vùng bị nước lũ cô lập hoàn toàn, tổ cấp cứu cơ động đến tận nhà dân để triển khai công tác cấp cứu khi có yêu cầu, đưa người dân đến bệnh viện kịp thời.

Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai công tác đáp ứng y tế, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. CDC Hà Nội đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động hướng dẫn các trung tâm y tế, phối hợp với chính quyền các cấp chuẩn bị cơ số Cloramin B 25% đủ để nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

TS Nguyễn Đình Hưng cũng lưu ý, trong mùa mưa lũ người dân cần chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến thực phẩm… Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 5 tổ cơ đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các khu vực bị ngập úng.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.

Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết... trong điều kiện bão lũ, thiên tai.

Các đơn vị đáp ứng công tác y tế tại các vùng bị ngập úng - Tin tức sự kiện - Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội

​Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

Trong tháng mưa bão, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.

Theo đó, người dân cần thiết thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.

Ngoài ra, mọi người tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành Y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành Y tế giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Đặc biệt, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật