A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Độ tuổi mà phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm bệnh tim mạch

Theo bác sĩ tim mạch, việc phát hiện sớm các nguy cơ tim mạch ở phụ nữ có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị và phòng bệnh hiệu quả hơn.

Độ tuổi mà phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm bệnh tim mạch

Phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm bệnh tim mạch sớm để phòng bệnh hiệu quả hơn. Đồ họa: Thiện Nhân

Khi nào nên bắt đầu xét nghiệm bệnh tim mạch?

Theo Tiến sĩ Mukesh Goel, bác sĩ phẫu thuật ghép tim và phổi tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (Ấn Độ), phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm bệnh tim từ năm 20 tuổi, đặc biệt nếu họ có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tim.

Xét nghiệm sớm ở độ tuổi này đối với phụ nữ sẽ cho phép bác sĩ theo dõi các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn và can thiệp kịp thời nếu cần thiết.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Deepankar Vatsa, bác sĩ Khoa tim mạch tại Bệnh viện Yatharth (Ấn Độ) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt đầu xét nghiệm sớm, đặc biệt đối với những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc mắc hội chứng chuyển hóa.

Ông Deepankar Vatsa nói thêm rằng, phụ nữ nên sàng lọc, xét nghiệm thường xuyên mỗi năm sau tuổi 40, vì các triệu chứng tim mạch ở phụ nữ trẻ có thể ít rõ ràng hơn, dẫn đến chẩn đoán muộn.

Xét nghiệm sớm giúp bảo vệ tim mạch như thế nào?

Bắt đầu tầm soát bệnh tim ở độ tuổi 20 là rất quan trọng vì nó giúp xác định các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, rối loạn lipid máu (mức cholesterol bất thường) và tình trạng kháng insulin.

Tiến sĩ Mukesh Goel nhấn mạnh, những dấu hiệu ban đầu này có thể tồn tại và góp phần vào sự phát triển của bệnh tim sau này trong cuộc sống, nhưng việc can thiệp sớm bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc có thể giúp giảm thiểu những rủi ro.

Xét nghiệm sớm đặc biệt quan trọng vì các vấn đề liên quan đến tim mạch thường có kết quả tệ hơn đối với phụ nữ so với nam giới. Nhiều dấu hiệu ban đầu của bệnh tim thường không có triệu chứng, nhưng phát hiện kịp thời cho phép quản lý tích cực hơn, đặc biệt là ở những phụ nữ có khuynh hướng theo di truyền như tăng cholesterol máu từ gia đình”, Tiến sĩ Deepankar Vatsa nói.

Ngoài ra, cần theo dõi tình trạng tim mạch thường xuyên, thay đổi lối sống và điều trị có mục tiêu dựa trên hồ sơ rủi ro cá nhân. Đây là những bước chính trong việc duy trì sức khỏe tim mạch trong suốt cuộc đời đối với phụ nữ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật