Lập biên bản vì trẻ chưa tiêm vắc xin COVID-19: Có đúng luật?
Pháp luật không bắt buộc phải tiêm phòng COVID-19. Địa phương lập biên bản vi phạm hành chính phụ huynh không đăng ký cho con tiêm phòng vắc xin đầy đủ là không đúng quy định.
Mới đây, việc UBND phường Trần Phú (TP Móng Cái, Quảng Ninh) lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế với phụ huynh khi không cho con tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ đã khiến dư luận phản ứng với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo nội dung biên bản, ông K. (SN 1984, trú khu 2, phường Trần Phú) có hành vi vi phạm hành chính, không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong biên bản, người vi phạm nêu lý do là không đồng ý cho con tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và không ký biên bản vì lý do "tôi không vi phạm hành chính".
Biên bản vi phạm hành chính do UBND phường Trần Phú lập.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính phụ huynh vì không đăng ký cho con tiêm vắc xin COVID-19 có thể bị khiếu kiện bởi hành vi này chưa phù hợp với quy định pháp luật và có tính chất cực đoan trong phòng chống dịch bệnh.
Luật sư Cường đánh giá, chủ trương tiêm vắc xin để phòng COVID-19 là đúng đắn và đã được đại đa số người dân Việt Nam hưởng ứng và hiệu quả phòng dịch là rất tích cực.
Đến nay, đa số người dân Việt Nam đã tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 từ 2-3 mũi, có người đã tiêm mũi 4 và đang tăng cường tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến 18 tuổi...
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay không bắt buộc tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Từ luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đến các văn bản dưới luật đều quy định là khuyến khích, vận động nhân dân tiêm ngừa vắc xin COVID-19, chứ không đưa vào diện bắt buộc phải tiêm cho các đối tượng, trong đó có trẻ em.
Nếu pháp luật quy định bắt buộc phải tiêm vắc xin COVID-19, người không chấp hành mới bị lập biên bản, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí còn có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như không tuân thủ việc tiêm phòng làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Do đó, địa phương này lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp phụ huynh không đăng ký cho con tiêm phòng vắc xin đầy đủ là không đúng quy định của pháp luật.
"Việc lập biên bản vi phạm hành chính chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm hành chính và việc lập biên bản vi phạm là căn cứ để ra quyết định xử phạt. Nếu lập biên bản vi phạm mà tổ chức cá nhân không có hành vi vi phạm hoặc lập biên bản vi phạm mà không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người lập biên bản, chỉ đạo lập biên bản phải hủy bỏ biên bản này và xin lỗi công khai, nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị lập biên bản. Trong vụ việc này các phụ huynh bị lập biên bản có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nêu ý kiến.
Chưa có biên bản xử phạt Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Móng Cái Hồ Quang Huy khẳng định, chưa hề có biên bản xử phạt mà mới có biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế của UBND phường Trần Phú đối với phụ huynh không cho con tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19. Theo ông Huy, việc lập biên bản vi phạm hành chính và việc xử phạt là hai khái niệm khác nhau. Lập biên bản vi phạm hành chính là để ghi lại hiện trạng, hành vi và cam kết của người dân. Từ biên bản chuyển thành xử phạt là một trạng thái khác. Trong biên bản của UBND phường Trần Phú, việc hẹn ông K. tới trụ sở vào ngày 6/9 để giải quyết vụ việc nhằm trao đổi, tuyên truyền, thay đổi nhận thức về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. "Mục tiêu cao nhất là sức khoẻ các con và nhận thức của bố mẹ; bố mẹ muốn bảo vệ các con thì biện pháp tốt nhất là tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Hiện tại các cháu vào năm học mới, mỗi lớp khoảng 40 cháu ở trong không gian điều hoà, đóng cửa kín, chỉ cần 1 cháu nhiễm COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm rất cao", ông Huy nói. Đại diện Sở Y tế Quảng Ninh khi trao đổi với báo chí cho biết, từ trước đến nay, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh chưa có văn bản hoặc chỉ đạo bắt buộc các địa phương phải tiêm vắc xin cho trẻ. Địa phương chỉ tuyên truyền, động viên, hướng dẫn đến người dân và cha mẹ học sinh hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Việc tiêm vắc xin cho trẻ dưới 17 tuổi phải xin ý kiến cha mẹ, người giám hộ của trẻ chứ không thể ép buộc. |