A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế vùng khó khăn

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt về chất lượng dịch vụ y tế, ngành Y tế đã triển khai nhiều đề án, chương trình góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện tại các huyện vùng khó khăn.

Gỡ khó nguồn nhân lực chất lượng cao

Từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đào tạo sau đại học đối với các bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế vùng cao (gọi tắt là dự án 585). Dự án đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện tại các huyện vùng khó khăn; nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm quá tải ở cơ sở y tế tuyến trên.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 1 của dự án 585 (từ năm 2015 đến năm 2020) đã tuyển dụng, tổ chức đào tạo 354 bác sĩ tình nguyện là viên chức của các đơn vị. Trong đó, có 44 bác sĩ tuyển dụng tại 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 310 bác sĩ tuyển dụng tại địa phương tình nguyện công tác tại 85 huyện nghèo của 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trước nhu cầu cấp thiết của ngành Y tế tại các vùng khó khăn, sau khi kết thúc giai đoạn 1 dự án, Bộ Y tế đã quyết định tiếp tục thực hiện giai đoạn mới của Dự án 585, từ năm 2021. Đến nay dự án 585 đã tổ chức đào tạo được hơn 500 bác sĩ trẻ, đang đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân ở các vùng khó khăn.

Gần đây nhất, lễ khai giảng lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa I cho 22 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” cho 7 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái và Bắc Giang đã diễn ra tại Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. 22 bác sĩ trẻ được tổ chức đào tạo theo phương thức đặc biệt: thời gian đào tạo đủ 24 tháng liên tục, mỗi học viên có ít nhất 1 giảng viên hướng dẫn và hỗ trợ trong suốt thời gian đào tạo, được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo... Được biết, đây là lớp thứ 7 được đào tạo trong giai đoạn 2 của dự án 585.

Giải pháp căn cơ

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở miền núi, vùng sâu, vùng xa luôn là “bài toán” khó đối với ngành Y tế các tỉnh miền núi. Nhiều đoàn bác sĩ tình nguyện theo các chương trình, đề án về bệnh viện tuyến huyện hỗ trợ chuyên môn và làm việc trực tiếp. Song trên thực tế, đây chỉ là những phương án thời vụ, thiếu tính bền vững.

Do đó, các lớp đào tạo bác sĩ trẻ tay nghề cao cho y tế cơ sở vùng khó khăn được tổ chức trong dự án 585 là giải pháp căn cơ để cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân nơi đây. Bên cạnh đó, dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Là một trong những tỉnh thực hiện dự án 585, trong giai đoạn 1, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 20 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I tình nguyện về công tác tại 6 huyện nghèo, gồm Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát. Với khoảng 3,6 triệu dân cùng 7 dân tộc sinh sống tại các huyện miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa, số lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao rất ít, đặc biệt các bác sĩ ở các trạm y tế rất hiếm. Do vậy, đây là sự bổ sung quý giá về nhân lực cho ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa.

Trong các bệnh viện huyện được thụ hưởng dự án, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân có số lượng đông nhất với 4 bác sĩ được tham gia đào tạo theo dự án 585 thuộc chuyên ngành Truyền nhiễm, Nội, Nhi khoa và Chẩn đoán hình ảnh. Các bác sĩ sau khi tốt nghiệp quay về công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn được nâng cao, có sự sáng tạo và vận dụng kiến thức vào thực tiễn khá tốt, năng nổ, nhiệt tình. Bốn bác sĩ của dự án đã giúp cho Nhân dân địa phương được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, đây được cho là bước đột phá của ngành Y tế huyện Thường Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thanh Hóa dự kiến có khoảng 20 bác sĩ trẻ tình nguyện và 60 bác sĩ chuyên khoa I được hỗ trợ đào tạo theo dự án 585. Tham gia dự án, các bác sĩ trẻ được đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, 1 thầy 1 trò với nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, do đó sau khi về đơn vị công tác sẽ đóng góp lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn của tỉnh nhà.


Tác giả: Linh Chi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan