Người đàn ông khỏi ung thư sau mắc COVID-19
Một người đàn ông 61 tuổi đã khỏi ung thư hạch giai đoạn 3 sau khi mắc COVID-19.
Tạp chí Huyết học Anh ghi nhận bệnh nhân được chẩn đoán có khối u khắp cơ thể không lâu trước khi nhiễm nCoV. Ông phải nhập viện 11 ngày. Khi các triệu chứng COVID-19 thuyên giảm, ông trở về nhà. Khoảng 4 tháng sau, bệnh ung thư của ông cũng biến mất.
Trong thời gian nằm viện, ông không được điều trị bằng steroid hoặc các liệu pháp ung thư thông thường khác bởi sức khỏe nhìn chung kém. Trước đó, bệnh nhân từng ghép thận thất bại.
Theo tiến sĩ Jonathan Friedberg, Trung tâm Y tế Đại học Rochester, ung thư bạch huyết đôi khi tự khỏi. Tuy nhiên, các phản ứng nhất định của hệ miễn dịch của COVID-19 cũng có thể giúp quét sạch tế bào ung thư trong cơ thể.
"Chúng tôi không chắc chắn 100% về phỏng đoán này. Đối với nhiều loại ung thư bạch huyết, khoảng 25% bệnh nhân tự thuyên giảm hoặc khỏi bệnh. Nhưng khối u bạch huyết thường nghiêm trọng hơn, ít xảy ra hiện tượng tự thuyên giảm. Hiện tượng này khá thú vị", ông nói.
Đây là tình trạng hiếm gặp, song không phải lần đầu tiên một bệnh nhân tự khỏi ung thư sau nhiễm virus. Theo tiến sĩ Friedberg, khá khó để xác định độ phổ biến của nó, bởi các trường hợp ít khi được ghi chép, báo cáo.
"Một bệnh nhân của tôi bị nhiễm virus rất nặng trong thời gian chờ đợi được ghép tế bào gốc. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi không cần thực hiện ca phẫu thuật này nữa vì anh đã khỏi. Tôi nghĩ tình trạng nhiễm trùng có liên quan đến điều này, nhưng không chắc hoàn toàn", ông nói.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Pascagoula ở Mississippi, tháng 1/2022. Ảnh: NY Times
Câu hỏi đặt ra là vì sao COVID-19 khiến bệnh nhân 61 tuổi khỏi ung thư. Thông thường, phản ứng miễn dịch với virus có sự tham gia của đội quân tế bào T (tế bào bạch cầu), kháng thể và protein quan trọng để điều phối phản ứng, được gọi là cytokine. Các phản ứng miễn dịch thường đặc hiệu cho một mầm bệnh, trong trường hợp này là Covid-19. Đôi khi phản ứng miễn dịch có thể gây ra tác động rộng hơn, triệt tiêu cả các tế bào ung thư.
"Phản ứng cytokine quá lớn có thể kích hoạt cả khả năng miễn dịch không đặc hiệu khác, dẫn đến sốt và nhiều triệu chứng khó chịu. Lượng cytokine cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh ung thư", tiến sĩ Friedberg nói.
Các khối u bạch huyết cũng đặc biệt nhạy cảm với hệ miễn dịch đã bị thúc đẩy bởi quá trình nhiễm virus.
"Chúng ta biết rằng u lympho rất nhạy cảm với phản ứng miễn dịch. Nó là bệnh ung thư của hệ thống miễn dịch. Những tế bào này được thiết kế đặc biệt nhạy cảm với hoạt động của cytokine, nhưng các khối u rắn thì không bị ảnh hưởng", Friedberg nói.
Đối với bệnh nhân này, chưa có gì đảm bảo ông sẽ khỏi hẳn ung thư. Nhưng việc sử dụng virus hoặc vaccine nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch cơ thể, điều trị khối u ác tính là chủ đề rất nóng trong nghiên cứu ung thư.
"Nhiều nhà khoa học đã có gắng tăng cường miễn dịch của bệnh nhân ung thư thông qua virus, ví dụ virus sởi", Friedberg nói.