A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm

Hiện nay, thực trạng thực phẩm không an toàn đã ở mức báo động, đe dọa đến sức khoẻ và tính mạng con người. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy đến khiến người dân hoang mang, lo lắng, đặc biệt về những mối nguy ô nhiễm thực phẩm luôn kề bên.

Nguyên nhân: Vật lí, sinh học, hoá chất

Theo Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010: Ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe và dân số Châu Phi - Antonina Mutoro, cho biết, ô nhiễm thực phẩm có thể do các nguyên nhân: Vật lí, sinh học, hoá chất. Trong đó, nguyên nhân vật lí là các vật lạ trong thực phẩm có khả năng gây thương tích hoặc mang vi sinh vật gây bệnh. Các mảnh kim loại, thủy tinh và đá có thể gây nguy hiểm nghẹt thở, hoặc gây ra vết cắt hoặc tổn thương răng. Tóc là một chất gây ô nhiễm vật lí khác.

Nguyên nhân sinh học là từ các sinh vật sống trong thực phẩm, bao gồm vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút và động vật nguyên sinh), sinh vật gây hại (mọt, gián và chuột) hoặc ký sinh trùng (giun), có thể gây bệnh. Hóa chất là từ các chất như cặn xà phòng, dư lượng thuốc trừ sâu và độc tố do vi sinh vật tạo ra như aflatoxin có thể dẫn đến ngộ độc.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

"Canh cánh" nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ dân sinh

Một số chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho biết, trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn, vệ sinh, có thể có các mối nguy làm thực phẩm bị ô nhiễm. Hậu quả cuối cùng của việc sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm là ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm không an toàn là một trong yếu tố gây ra tình trạng sức khỏe kém, bao gồm suy giảm tăng trưởng và phát triển, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm cũng như bệnh tâm thần. Trên toàn cầu, cứ 10 người thì có một người bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm gây ra mỗi năm.

Do vậy, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những nó ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội.

Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, là nền tảng cho xóa đói giảm nghèo và mở rộng quan hệ quốc tế.

“Quy tắc 2 giờ”

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, cộng thêm thời tiết nóng nực thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng.

Thực phẩm

Một số thực phẩm sẽ nhanh chóng trở nên không an toàn nếu không được làm lạnh...

Nhiều ý kiến cho rằng, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa tiềm ẩn nguy cơ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, trong ngày hè, mọi người cần chú ý bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, quá trình lựa chọn thực phẩm cũng cần cẩn trọng, bởi hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch.

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các quy tắc cần thực hiện để thực phẩm được an toàn, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, đó là: Giữ vệ sinh sạch sẽ; Tách thịt sống khỏi các thực phẩm khác; Nấu thực phẩm an toàn về nhiệt độ và thời gian; Đặc biệt với “quy tắc 2 giờ”.

Theo “quy tắc 2 giờ”: Một số thực phẩm sẽ nhanh chóng trở nên không an toàn nếu không được làm lạnh hoặc đông lạnh, chẳng hạn như thịt, thịt gà và các loại gia cầm khác, hải sản, sữa, trái cây gọt sẵn, rau và đồ ăn thừa đã nấu chín; Vì thế cần loại bỏ thực phẩm dễ hỏng đã để bên ngoài quá 2 giờ và 1 giờ đối với thực phẩm để ngoài trời nóng, chẳng hạn như thức ăn bày ngoài trời phục vụ trong buổi dã ngoại hoặc đoàn tụ gia đình.


Tác giả: Lê Dung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan