Phòng cúm A thế nào khi nhà có người già và trẻ nhỏ?
Việc phòng ngừa cúm A và điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế lây lan và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai.
Gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền cần chủ động bảo vệ sức khoẻ trong mùa cúm bằng cách tiêm phòng, duy trì vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng và điều trị đúng cách khi mắc bệnh. Ảnh: Hải Nguyễn
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm A gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt vào mùa đông và mùa xuân.
Để bảo vệ bạn và gia đình khỏi cúm mùa và dịch cúm, hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau:
Tiêm phòng cúm hàng năm
Vắc-xin cúm giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc biến chứng nặng - đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.
Giữ vệ sinh cá nhân
Theo Cục Y tế Dự phòng, virus cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt…
Do đó, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.
Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu cảm cúm.
Tăng cường hệ miễn dịch
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C và uống đủ nước.
Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và duy trì lối sống lành mạnh.
Luyện tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh
Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị cúm.
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc
Nếu không may mắc cúm A, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
Chăm sóc tại nhà
Nếu có triệu chứng cảm cúm, nên nghỉ ngơi tại nhà để hạn chế lây nhiễm cho người khác.
Uống nhiều nước để bù dịch.
Ăn thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng để hỗ trợ phục hồi.
Giữ ấm cơ thể và súc miệng bằng nước muối để giảm triệu chứng viêm họng.
Dùng thuốc đúng cách
Sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Không tự ý dùng kháng sinh vì cúm A do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng.
Nếu có chỉ định của bác sĩ, có thể dùng thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Theo dõi triệu chứng và đến cơ sở y tế khi cần
Nếu có dấu hiệu sốt cao kéo dài, khó thở, đau tức ngực hoặc tình trạng không cải thiện sau 3-5 ngày, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền cần đặc biệt chú ý theo dõi sát sao.
Cúm A có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn và gia đình phòng tránh cúm hiệu quả và đề phòng biến chứng viêm phổi.