A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo sự hấp dẫn trong đầu tư đối với lĩnh vực y tế

Sở Y tế sớm rà soát lại quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô nhằm bảo đảm sự bao trùm, đồng đều, mang tính dự báo, tạo sự hấp dẫn trong đầu tư đối với lĩnh vực y tế.

Sáng 29/2, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” tại Sở Y tế Hà Nội.

Tham gia Đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Trần Thế Cương cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan là thành viên của Đoàn giám sát.

Tăng cường Y tế học đường
Quang cảnh hội nghị

Hoàn thành 7/9 chỉ tiêu

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã được Sở Y tế chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tác động lan tỏa, khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình. Đến nay, Sở Y tế đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức 7/9 chỉ tiêu kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công.

Trong đó, về chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân, tổng số bác sĩ hiện có của TP là 14.116. Cụ thể, số bác sỹ trong các cơ sở y tế công lập là 5.080 người; số bác sỹ trong các cơ sở y tế tư nhân là 5.030 người. Trong đó, 40,2% số bác sỹ của các Bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành phục vụ người dân trên địa bàn Hà Nội tương đương 4.006 người. Như vậy, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân hiện nay đạt 16,6 bác sĩ/vạn dân (với dân số Hà Nội ước tính khoảng 8,5 triệu dân), vượt chỉ tiêu được giao.

Về các chỉ tiêu tỷ lệ xã phường duy trì tiêu chí quốc gia về y tế xã, Sở đã tổ chức thẩm định xét công nhận 488 xã/phường/thị trấn thuộc 30 quận/huyện đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023. UBND TP đã ban hành quyết định công nhận 488/579 (đạt 84,3%) xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Tăng cường Y tế học đường
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng báo cáo tại hội nghị

Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt khoảng 85%. Năm 2023, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 88,7%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 90,3%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất đạt 90%...

Tuy nhiên, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trong Chương trình số 08-CTr/TU còn chưa đảm bảo yêu cầu. Việc khởi tạo dữ liệu ban đầu cho Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử TP để đảm bảo việc hiển thị đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu sức khỏe người dân Thủ đô trên ứng dụng VNeID còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền tại một số Trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác triển khai và khai thác, sử dụng hệ thống.

Phối hợp chặt chẽ trong phát triển y tế học đường

Tại hội nghị, các ý kiến của thành viên trong Đoàn kiểm tra đã làm rõ thêm một số kết quả của ngành Y tế Thủ đô trong thực hiện Chương trình số 08 - Ctr/TU. Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội TP và Sở Y tế đã có sự ký kết quy chế phối hợp, nhờ đó, việc thực hiện cấp thẻ và quản lý thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hiệu quả hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người dân từ tuyến TP tới tuyến huyện. Đáng kể, không còn ý kiến kêu ca, phàn nàn về sự phân biệt cũng như chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh giữa người có BHYT và không có thẻ.

Ngoài ra, việc chăm sóc sức khoẻ học đường được cải thiện, số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường giảm.

Tăng cường Y tế học đường
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, hằng năm, Sở GD&ĐT và Sở Y tế đều có kế hoạch liên tịch phối hợp. Riêng về y tế học đường hai bên có sự phối hợp chặt chẽ. 100% các trường học đều có Ban chăm sóc sức khoẻ; 100% các quận, huyện cũng đều có Ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ học đường.

Tuy nhiên theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, tỷ lên cận loạn thị trong học sinh còn cao; cùng với đó là tình trạng trầm cảm, tự kỷ trong học sinh trong khi việc tư vấn tâm lý học đường chưa được quan tâm đúng mực, nhân viên chủ yếu là kiêm nhiệm.

Từ đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương kiến nghị: Cho phép tuyển nhân viên y tế, kế toán, nhân viên thư viện tại các trường bằng hình thức hợp đồng; bổ sung và trang bị, kiểm định tủ thuốc học đường tại các trường; quan tâm cải thiện cơ sở vật chất tại các trường cũ, đặc biệt là nhà vệ sinh các trường...

Tăng cường Y tế học đường
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị

Về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Y tế học đường là vấn đề chiến lược của TP, cần thực hiện từ sớm, từ xa. Việc xác định thời gian y tế học đường của học sinh là thời gian vàng, cần quan tâm để đưa ra các ưu tiên hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ kịp thời.

Thời gian tới, Sở Y tế và Sở GD&ĐT cần có chương trình, đề án riêng về chăm có sức khoẻ học đường; xây dựng những bài giảng giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản tại các trường; giao việc chăm sóc sức khoẻ học đường cho chuyên khoa của các bệnh viện để phát hiện sớm các vấn đề dinh dưỡng của học sinh...

Ngoài ra, Sở cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện tuyến trên để hỗ trợ trực tuyến cho bệnh viện tuyến dưới trong chuẩn đoán, điều trị bệnh; tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; tăng độ phủ BHYT cho người dân.

Tăng cường Y tế học đường
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Biểu dương những kết quả Sở Y tế đã đạt được trong thực hiện Chương trình số 08 - Ctr/TU, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đề nghị đơn vị cần có đánh giá khách quan số liệu từng chỉ tiêu, tiêu chí mà Chương trình 08-Ctr/TU đề ra (tỷ lệ sinh, quy mô dân số…) để từ đó có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới; đồng thời có những dự báo trong cả nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Trong đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân không chỉ chia theo đối tượng, lứa tuổi mà cần theo địa bàn để công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân hiệu quả.

Chú trọng phát triển y tế cơ sở

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc giám sát tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình công tác trong 10 Chương trình toàn khóa của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa quan trọng để đánh giá thực trạng,từ đó có các đề xuất các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, Chương trình 08-Ctr/TU có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội cũng như các chính sách liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế - những lĩnh vực liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân.

Tăng cường Y tế học đường
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Y tế sớm rà soát lại quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô nhằm bảo đảm sự bao trùm, đồng đều, mang tính dự báo, tạo sự hấp dẫn trong đầu tư đối với lĩnh vực y tế.

Đối với những vấn đề mang tính căn cơ, phổ quát trong lĩnh vực y tế mà các đô thị lớn đang gặp phải, Sở Y tế cần có đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu TP có giải pháp chiến lược, lâu dài như: Vấn đề già hóa dân số, mô hình bệnh tật, ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế…

Trước mắt, Sở Y tế cần quan tâm đến vấn đề y tế học đường và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; Đồng thời, chú trọng phát triển y tế cơ sở và nguyên lý y học gia đình, bởi đây là những giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành Y tế Thủ đô. Đồng thời, Sở mạnh dạn hơn trong tham mưu TP đối với vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, xã hội hóa trong đào tạo cũng như khám, chữa bệnh cho người dân… sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.


Tác giả: Hạnh Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật