A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên trẻ rối loạn tâm thần sau một năm nghiện bóng cười

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh viện này vừa tiếp nhận nam thanh niên (19 tuổi, ở Hà Nội) đến khám do hay quên, bồn chồn, lo lắng, run tay. Đáng lo ngại, thanh niên này cho biết hơn một năm nay có hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử.

Những dấu hiệu bất thường

Sau hơn một năm hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử gần đây, bệnh nhân thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, quên trí nhớ gần, giảm tập trung, giảm các thú vui, khó ngủ, hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, thích ở một mình, ăn uống kém ngon miệng...

Thanh niên trẻ rối loạn tâm thần sau một năm nghiện bóng cười

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Medlatec tư vấn cho người bệnh

Thấy sự sa sút đó, gia đình khuyên bỏ thói quen này tôi cũng có suy nghĩ bỏ nhưng không thể bỏ được. Thậm chí, tôi có xu hướng tăng dần tần suất sử dụng cần sa. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, tôi quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám”, nam bệnh nhân chia sẻ.

BSCKII Nguyễn Đình Tuấn, Chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: "Qua khám toàn thân về mạch, huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân không có gì bất thường. Tuy nhiên, khám tâm thần có rối loạn hành vi, có hoang tưởng bị hại và một số triệu chứng tâm thần khác.

Bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác. Vì vậy, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm hóa sinh và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh phát hiện dương tính với THC (cần sa - marijuana); Kết quả xét nghiệm sinh hóa khác có một số biến đổi. Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (hội chứng nghiện-F12.2) nên được tư vấn điều trị nội trú theo chuyên khoa".

Chất gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Việc sử dụng cần sa, hút thuốc lá điện tử, hay hút bóng cười mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm… nhưng theo bác sĩ đây được coi là “combo” chất xúc tác gây hại sức khỏe.

Thanh niên trẻ rối loạn tâm thần sau một năm nghiện bóng cười

Giới trẻ chìm đắm trong bóng cười, thuốc lá điện tử tại các quán bar "trá hình"

Cần sa có thành phần, hoạt chất chính là Delta-9-tetrahydrocannabinol (THC). Chất này kích thích não giải phóng một chất được gọi là dopamine, mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm và tình dục.

Tuy nhiên, cần sa ảnh hưởng đến cơ thể rất nghiêm trọng và lâu dài, ở cả 3 phương diện là não bộ, thể chất, tâm thần. Với phụ nữ mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong và sau khi sinh.

Ở thanh thiếu niên, việc sử dụng cần sa có thể làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập. Ngoài ra, hút cần sa có thể ảnh hưởng hô hấp, tăng nhịp tim, gây buồn nôn, nôn dữ dội.

Thuốc lá điện tử có thành phần chính là Nicotine - chất gây nghiện có trong thuốc lá thường là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư, ngoài ra còn có dung dịch tạo khói (nước, Propylene Glycol và Glycerin) và chất tạo mùi.

Bóng cười được bơm khí N2O. Đây là một chất hóa học không màu, không vị, không mùi. Khi hít phải loại khí này sẽ khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, vui vẻ, có thể cười nói luyên thuyên, mất kiểm soát, gây ảo giác… Nếu lạm dụng N2O có thể dẫn tới rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, rối loạn cảm giác, rối loạn giấc ngủ, liệt vận động, tổn thương thần kinh trung ương…

Theo chia sẻ của các bác sĩ, những trường hợp sử dụng chất gây nghiện như hút bóng cười, cần sa, thuốc lá điện tử thường gặp ở các đối tượng việc làm không ổn định, gia đình bất chắc, do sự buông lỏng hoặc không quản lý chặt chẽ từ phía gia đình.

Đáng lưu ý tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học đường ngày càng gia tăng, do lớp trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, khẳng định bản thân. Ban đầu, các em chỉ thử nhưng sau đó đã bị lôi cuốn bởi cảm giác sảng khoải, vui vẻ, hưng phấn mà không chấm dứt được.

Theo BS Tuấn, bệnh rối loạn tâm thần, hành vi là một trong những hậu quả từ việc sử dụng các chất gây nghiện hiện đang phổ biến trong xã hội hiện đại và có xu hướng tăng dần ở những người trẻ tuổi. Triệu chứng người bệnh đến khám thường do mệt mỏi, hay cáu gắt, tê bì tay chân, tức ngực, run tay chân, rối loạn giấc ngủ.

Vì vậy, để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng trẻ thử cảm giác mạnh này, mỗi bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và theo dõi con sát sao.

Nếu cha mẹ phát hiện con có dấu hiệu chểnh mảng học, trốn học, kém tập trung, hay quên, ăn ngủ thất thường, chóng mặt, mệt mỏi hoặc hoang tưởng, hốt hoảng một cách vô cớ… thì nên cho con đi kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần có sân chơi lành mạnh, bổ sung các hoạt động ngoại khóa để học sinh giảm căng thẳng sau giờ học. Gia đình cần trang bị cho con kiến thức, thông tin về tác hại của các loại chất gây nghiện để phòng tránh. Gia đình, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để loại bỏ khỏi thuốc ra môi trường học đường.


Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật