Thiếu nhân lực y tế bệnh viện công: Địa phương mất bác sĩ tay nghề cao, bệnh nhân chịu thiệt
Trong số 159 nhân viên y tế tại Đắk Lắk nghỉ việc trong hơn 2 năm dịch bệnh thì có 50% là bác sĩ có kinh nghiệm, nhiều năm công tác ở các chuyên khoa. Trong khi đó, để tuyển dụng, đào tạo một bác sĩ được như vậy mất từ 4 đến 5 năm.
Việc mất nhân lực chất lượng cao trong các bệnh viện công tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên khiến chính người bệnh phải chịu thiệt.
Nhân viên y tế tại các bệnh viện công đang có thu nhập thấp nhưng lại chịu quá nhiều áp lực. Ảnh minh hoạ: TT
Nghỉ việc hàng loạt vì lương thấp, áp lực bủa vây
Thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, toàn ngành Y tế địa phương có 159 công chức, viên chức y tế xin thôi việc. Tình trạng công chức, viên chức ngành y tế xin thôi việc, bỏ việc chủ yếu là viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế. Số lượng viên chức y tế thôi việc nhiều nhất là viên chức có trình độ từ bác sĩ y khoa trở lên (83 người, chiếm 53,5%) làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện (cơ sở y tế có giường bệnh, hệ điều trị) thuộc các chuyên ngành khác nhau như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Răng - Hàm - Mặt, Tai - Mũi - Họng…). Đây là những nhân lực y tế chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm công tác.
Một bác sĩ đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk cho hay: "Trong khoảng 2 năm qua, nhiều y bác sĩ công tác tại đơn vị đã nộp đơn xin nghỉ việc, tìm kiếm nơi làm phù hợp hơn. Một số người đang làm việc cũng mang tâm lý chán nản, thiếu nhiệt huyết, làm cho xong trách nhiệm được giao. Bởi, chế độ đãi ngộ họ nhận được không tương xứng với sức lao động, trình độ chuyên môn bỏ ra và môi trường làm việc thiếu thân thiện, không hoà hợp".
Tại Đà Nẵng, địa phương có hơn 300 nhân viên y tế nghỉ việc, tức gần gấp đôi so với tỉnh Đắk Lắk, không khó để tìm hiểu về câu chuyện y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt sau dịch bệnh. Nhắc đến khoảng thời gian 2 năm chống dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị L - một nhân viên y tế quận Sơn Trà - vẫn còn ám ảnh bởi những cuộc gọi không kể ngày đêm. Là nhân viên y tế xã phường, đơn vị trực tiếp làm việc với từng ca bệnh từ việc tiếp nhận thông tin, điều tra dịch tễ…
Sau này, khi điều trị COVID-19 tại nhà, y tế xã phường cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn, thăm khám, thậm chí là đi "canh chừng" bệnh nhân. Có những ngày điện thoại gọi liên tục, nhân viên y tế chỉ có vài người nhưng chạy đi khắp khu vực. "Nói vậy nhưng thời điểm đó dù khó khăn, vất vả nhưng mọi người đều biết là khó khăn chung và nếu mình không làm thì không ai làm cả. Anh em ai cũng cố gắng. Cho đến khi các vụ việc, vụ án liên quan đến y tế trong thời gian chống dịch được khơi ra, tâm lý mỗi người nhân viên y tế đều rất buồn và chịu một áp lực vô hình từ cộng đồng xã hội. Gần như không ai còn tâm trạng để làm việc nữa, thậm chí là sợ, vì làm lỡ đâu sai" - chị L nói.
Nhắc đến lương hay thu nhập của nhân viên y tế, chị L lắc đầu. Bản thân chị L đã nhiều lần được gia đình khuyên nghỉ việc. Để có thêm thu nhập, chị L mở thêm cửa hàng tạp hoá tại nhà. Bởi, với mức lương trên dưới 5 triệu đồng, chị L chỉ lo được tiền cho một đứa con đi học, ăn uống, chứ chưa nói đến tiền chợ và đứa con thứ 2.
Bệnh nhân chịu ảnh hưởng
Hàng trăm y bác sĩ nghỉ việc, chuyển qua khu vực tư nhân. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực bệnh viện công sẽ có những lỗ hổng trong chăm sóc y tế cộng đồng. Đây là thách thức của ngành y tế khi nhu cầu khám chữa bệnh tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao.
Phân tích nguyên nhân của tình hình trên, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống, nhất là ở các cơ sở y tế dự phòng và ở tuyến cơ sở. Trong khi đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực của các y tế ở hệ thống y tế tư nhân, nhất là với nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu lại khá tốt.
Bên cạnh đó, áp lực công việc, cường độ công việc cao, đặc biệt là từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế trong môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, nguy hiểm tính mạng cũng là một áp lực. Thậm chí, nhân viên y tế đang bị ảnh hưởng, tác động bởi các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong mua sắm và đấu thầu gần đây.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ cán bộ ngành y tế tại một số bệnh viện chuyên khoa nhưng đến năm 2020, các chính sách này đã dừng và phải đợi các chính sách của Trung ương điều chỉnh cho phù hợp, đây cũng là yếu tố khó khăn trong tuyển dụng nhân lực y tế cơ sở.
Giám đốc một Trung tâm Y tế tại Đà Nẵng cho biết, việc giải ngân các khoản tiền hiện nay rất khó khăn. Ngay tiền đơn vị ứng ra mua kít xét nghiệm COVID-19 đến nay Sở Y tế vẫn chưa hoàn trả. Tiền hỗ trợ chống dịch cho nhân viên y tế đến nay vẫn chưa có đủ do vướng các thủ tục, rồi ai cũng sợ sau những vụ bắt bớ. Nhìn anh em đi làm rất xót, rất thương nhưng giờ không có tài chính, lãnh đạo cũng đành chấp nhận.
Tại kỳ họp HĐND Đà Nẵng giữa năm 2022, các đại biểu đã cảnh báo, việc thiếu y bác sĩ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Bởi, thực tế, những chuyên khoa đặc biệt, điều trị bệnh nặng đều đang ở các bệnh viện công, nơi trước đây có nguồn nhân lực lớn cả về số lượng và chất lượng. Nhưng nay, khi số lượng bác sĩ này rút đi thì trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của bệnh nhân trong địa phương, về lâu dài sẽ là gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên vì không có bác sĩ điều trị thì phải chuyển viện.
Bác sĩ Nguyễn M.N đang công tác tại một bệnh viện công Đà Nẵng cho biết, lực lượng bác sĩ chuyên khoa, có tay nghề hiện nay ở nhiều địa phương nghỉ việc rất nhiều để chuyển sang khu vực y tế tư nhân. Từng có thời gian theo học cao học tại TPHCM, bác sĩ N cho biết, đến nay các học viên cùng khoá của anh có đến 90% đã nghỉ việc ở bệnh viện công. Họ sẵn sàng bồi thường tiền học phí theo như cam kết để rời đi.
"Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thu nhập và môi trường làm việc quá nhiều áp lực khiến họ không mặn mà với bệnh viện công. Trong khi đó, với thu nhập hiện nay của đại đa số người dân Việt Nam, việc khám chữa bệnh tại bệnh viện công vẫn chiếm đại đa số. Dù có biết bác sĩ giỏi đã qua tư nhân thì bệnh nhân cũng không đủ kinh tế để chạy theo được. Nhưng không có bác sĩ giỏi, chẩn đoán không chính xác, không tốt bằng những người có kinh nghiệm thì thiệt hại cả về thời gian, kinh tế lẫn sức khoẻ của người bệnh" - bác sĩ N nói.
Giai đoạn từ 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Riêng TP Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế. Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỉ lệ nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao. |
Giai đoạn từ 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Riêng TP Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế. Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỉ lệ nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao.