A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.Hồ Chí Minh: Từng bước vực dậy, nâng cấp chất lượng y tế cơ sở

Sau khi dịch COVID-19 quét qua, tuyến y tế cơ sở của thành phố với nhiệm vụ chăm sóc và hỗ trợ sức khoẻ ban đầu cho hơn 10 triệu dân đã bộc lộ bất cập. Để phát triển và vực dậy lại hệ thống y tế cơ sở, ngành y tế TPHCM đã chủ động thực hiện bước đầu một số kế hoạch và phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng bước nâng cấp chất lượng y tế cơ sở. 

TP.Hồ Chí Minh: Từng bước vực dậy, nâng cấp chất lượng y tế cơ sở

Hoạt động khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở. Ảnh: Nguyễn Ly

Tuyến y tế cơ sở hoạt động kém hiệu quả 

Hiện nay, tổng dân số có hộ khẩu thường trú tại TPHCM hơn 10 triệu dân, cộng với hơn 5 triệu người dân nhập cư, điều này tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế thành phố. Vì thế, vừa qua Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam để cùng đưa ra những phương án vực dậy hoạt động của tuyến y tế cơ sở. 

Về những khó khăn, yếu kém của tuyến y tế cơ sở tại thành phố được thấy rõ qua câu chuyện hoạt động y tế tại Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM sau khi đoàn đi khảo sát. 

Hiện nay Trạm Y tế này đang quản lý hơn 39.103 người dân trên địa bàn, trong đó dân số trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên có nhu cầu chăm sóc y tế nhiều hơn với khoảng 9.191 người (chiếm 23,5%). Trước kia, khi chưa có đề án đưa bác sĩ về trạm y tế cơ sở hoặc trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Trạm Y tế phường 22 chỉ vẻn vẹn 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 hộ lý gánh vác chăm sóc cho hàng nghìn người dân. 

Tuy nhiên, sau khi thành phố áp dụng những chính sách chưa từng có (từ tháng 5.2022) khi các bác sĩ được điều động về đây để thực tập, hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ của người dân tại Trạm Y tế phường 22 được cải thiện, nhưng vẫn dừng lại ở chỗ làm việc cầm chừng vì chưa có nhiều người dân trên địa bàn tới khám. 

Theo bà Ngô Thị Minh Thu - Trưởng Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh cho biết: “Mỗi tháng trạm có tổng cộng 120 bệnh nhân đến khám, riêng bệnh cao huyết áp và đái tháo đường là 60 người. Tất cả thuốc cho những bệnh nhân này đều được bảo hiểm y tế chi trả”.

Ông Lại Đức Trường - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Đây là con số vô cùng ít. Tôi mong muốn đây là nơi khám chữa bệnh tốt, có thể cạnh tranh với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên khác. Trạm y tế còn hoạt động chưa hiệu quả khi chỉ với 7-8 lượt khám mỗi ngày, trong khi nhân sự đầy đủ (từ bác sĩ tăng cường đến bác sĩ thực hành, trưởng trạm, điều dưỡng), cơ sở hạ tầng đảm bảo, trang thiết bị khá đầy đủ”. 

Thực tế trên của phường 22 không phải ngoại lệ, khi hiện nay dù thành phố có 310 Trạm Y tế cơ sở nhưng đều vướng mắc nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân sự và cơ sở vật chất. 

Y tế cơ sở phải là hệ thống phát hiện và theo dõi 

Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, hiện nay, công tác chăm sóc và phát hiện các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang ở mức hạn chế. Trong số những bệnh không lây nhiễm phổ biến như: Tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính, ung thư… thì bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đang ở mức báo động tử vong nhưng chưa được quan tâm đúng mức. 

Cụ thể, có hơn 56,9% bệnh nhân tăng huyết áp và 28,9% bệnh nhân đái tháo đường không được phát hiện sớm. Việc này dẫn đến tỉ lệ bệnh nhân tử vong vì mắc hai bệnh này rất lớn. 

Ông Lại Đức Trường cho biết: “Hiện nay cứ 10 người tử vong về các nguyên nhân khác nhau thì trong đó có 3 người liên quan bệnh lý đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Một thực tế hiện nay của TPHCM là đầu tư rất nhiều để cho các trạm y tế có thể độc lập khám, phát hiện và điều trị bệnh nhưng các trạm đều không muốn quản lý điều trị những bệnh nhân này do không có thu nhập tăng thêm, sợ bị xuất toán hoạt động khám chữa bệnh. Còn đối với các trung tâm y tế quận/huyện không hỗ trợ hoặc khống chế các trạm y tế vì sợ mất thu nhập do mất số lượng bệnh nhân đến khám, thiếu nhân sự hoặc trình độ chuyên môn còn hạn chế”. 

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, thời gian qua Sở Y tế đã đề xuất nhiều phương án nhằm cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh. Trong đó có tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở. Đề xuất thực hiện trung tâm đấu thầu mua sắm tập trung để tránh tình trạng thiếu thuốc hoặc không đấu thầu được vì trước kia hoạt động này giao cho các trung tâm y tế quận, huyện thực hiện, số lượng đấu thầu ít nên nhà thầu thường không tham gia. 

Theo ông Thượng, thời gian tới hoạt động quản lý các bệnh không lây nhiễm sẽ giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HDCD) quản lý, lực lượng trung tâm được đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo cho tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, việc này rất cần sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới cho chương trình WHO PEN (gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế Thế giới) tại các trạm y tế là một trong những vấn đề mà Sở Y tế mong muốn triển khai trong thời gian sắp tới. Từ đó, từng bước thu hút người dân trên địa bàn về trạm y tế cơ sở khám và theo dõi điều trị, giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan