A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai chiến dịch uống bổ sung vitamin A, sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ dưới 5 tuổi

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức chiến dịch uống bổ sung vitamin A và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn thành phố năm 2022.

Phấn đấu 99,8% trẻ em trong độ tuổi được uống vitamin A

Theo đó, chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ được tổ chức trong 2 ngày từ ngày 1 – 2/6, uống vét từ ngày 3- 4/6. Ngoài việc tổ chức uống bổ sung Vitamin A, Hà Nội còn thực hiện cân đo, sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ dưới 5 tuổi từ ngày 1 – 7/6.

Đối tượng uống bổ sung vitamin A trong đợt này là những trẻ từ 6 đến dưới 36 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương (kể cả trẻ em vãng lai, trẻ em đang điều trị tại các cơ sở y tế).

Triển khai chiến dịch uống bổ sung Vitamin A, sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ dưới 5 tuổi

Triển khai chiến dịch uống bổ sung Vitamin A, sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ dưới 5 tuổi

Hà Nội phấn đấu trên 99,8% trẻ em từ 6 đến dưới 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao; trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được cân đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân (cân nặng/tuổi), thể thấp còi (chiều cao/tuổi), thể gầy còm (cân nặng/ chiều cao), suy dinh dưỡng cấp tính và tỷ lệ thừa cân béo phì (cân nặng/tuổi) cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển tăng trưởng về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, góp phần quan trọng để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể.

Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo toàn dân hãy thực hiện: Sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; khuyến khích lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ cùng với ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Các phụ huynh sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D; cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.

Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun; phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Bổ sung vitamin A đảm bảo an toàn

Vitamin A là một loại vi chất tăng trưởng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ, góp phần tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Tổ chức Y tế Thế giới coi trọng việc bổ sung vitamin A là chiến lược toàn cầu dành cho các nước kém, hoặc đang phát triển như Việt Nam.

Ngoài khuyến cáo chế độ ăn uống đa dạng các nguồn thực phẩm giàu vitamin A, tại Việt Nam, nhằm phòng chống tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi, mỗi năm Bộ Y tế tổ chức 2 đợt uống vitamin A cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A.

Trẻ 6 – <12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng. Trẻ từ 12 – 60 tháng: 200.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Với liều bổ sung trên, hầu hết trẻ dung nạp tốt. Một số có thể xuất hiện các tác dụng phụ như thóp phồng, buồn nôn, nôn hoặc đi ngoài phân lỏng. Các phản ứng thường nhẹ và tự hết sau khoảng 24h dùng thuốc. Do đó, mẹ không nên quá lo lắng mà không cho con uống vitamin A.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu bổ sung quá nhiều gây dư thừa vitamin A cũng dẫn tới nhiều tác hại, dẫn đến các triệu chứng ngộ độc gan, đau khớp, đau đầu, biến đổi xương, nôn, da khô dễ bong vẩy hay gây thóp phồng, vàng da ở trẻ em. Do đó, các cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần biết khi nào uống vitamin A liều cao.

Các biểu hiện của thừa vitamin A phụ thuộc vào hàm lượng và tốc độ nhanh chóng của việc hấp thụ vitamin A quá mức. Các triệu chứng có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính gồm: Tăng áp lực nội sọ, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, kích ứng da, đau khớp và xương, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Mặc dù chứng tăng vitamin A có thể là do chế độ ăn uống quá nhiều thực phẩm chứa vitamin A. Tuy nhiên, tình trạng này thường là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều vitamin A trong thuốc hoặc các thực phẩm bổ sung.

Phần lớn các trường hợp ngộ độc vitamin A là do tiêu thụ kéo dài một lượng lớn vitamin A tổng hợp (cao hơn khoảng 10 lần so với mức cho phép trong chế độ ăn được khuyến nghị hoặc khoảng 50.000 IU).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật