A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ vaccine tới AI: Vũ khí mới trong cuộc chiến chống ung thư

Những tiến bộ khoa học và y tế gần đây đã dẫn tới việc kho vũ khí chống ung thư của nhân loại được bổ sung thêm, gồm liệu pháp gene cá nhân hoá, sàng lọc trí tuệ nhân tạo (AI), xét nghiệm máu đơn giản và có khả năng sẽ sớm có vaccine. 

Từ vaccine tới AI: Vũ khí mới trong cuộc chiến chống ung thư

Công ty công nghệ sinh học Transgene ở Pháp đang nghiên cứu phát triển vaccine kháng nguyên ung thư. Ảnh: AFP

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư gây ra gần 10 triệu ca tử vong trong năm 2022, tức gần 1/6 tổng số ca tử vong trên toàn cầu. AFP điểm lại một số phát triển đầy hứa hẹn trong chẩn đoán và điều trị ung thư: 

Liệu pháp miễn dịch

Các loại thuốc liệu pháp miễn dịch là một trong những tiến bộ lớn nhất trong điều trị ung thư trong thập kỷ qua. Các loại thuốc theo liệu pháp miễn dịch có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch theo dõi và tiêu diệt các tế bào ung thư. 

Liệu pháp miễn dịch có ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn hóa trị liệu. Liệu pháp này có ảnh hưởng sâu sắc đến việc điều trị một số loại ung thư.

Trước năm 2010, tỉ lệ sống sót của những người mắc ung thư da ác tính nghiêm trọng là rất thấp. Nhưng nhờ các loại thuốc trị liệu theo liệu pháp miễn dịch, một số bệnh nhân hiện có thể sống từ 10 năm trở lên.

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch vốn có những tác dụng phụ riêng và không phải tất cả các khối u đều đáp ứng với liệu pháp này. 

Bruno Quesnel, giám đốc nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Pháp, cho biết: “Chúng tôi mới chỉ bắt đầu liệu pháp miễn dịch".

Bác sĩ chuyên khoa ung thư Pierre Saintigny tại trung tâm ung thư Leon Berard của Pháp, cho hay, các phương pháp điều trị theo liệu pháp miễn dịch khác nhau sẽ cần được kết hợp "một cách thông minh nhất có thể".

“Với liệu pháp miễn dịch, chúng tôi đã tiến lên một bước trong điều trị ung thư, nhưng vẫn cần thực hiện các bước cho tất cả những bệnh nhân không được hưởng lợi từ nó” - ông lưu ý thêm. 

Liệu pháp CAR-T

Liệu pháp CAR-T liên quan đến việc lấy các tế bào T từ máu của từng bệnh nhân và biến đổi chúng trong phòng thí nghiệm. Các tế bào T là một phần của hệ thống miễn dịch. Sau khi huấn luyện trong phòng thí nghiệm để nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư, các tế bào T này được tiêm trở lại bệnh nhân. 

Ngoài CAR-T còn một kỹ thuật khác là CAR-T Allogeneic liên quan đến việc lấy tế bào từ một người khỏe mạnh khác.

Cho đến nay, các liệu pháp CAR-T chủ yếu có hiệu quả trước một số loại bệnh bạch cầu và quá trình này vẫn rất đắt đỏ.

Trí tuệ nhân tạo

Các chương trình máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được chứng minh là có thể xác định ung thư não và ung thư vú từ những lần quét định kỳ với độ chính xác cao hơn con người.

Nghiên cứu AI đang bùng nổ trên nhiều lĩnh vực và được kỳ vọng sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong các phương pháp chẩn đoán ung thư khác.

“Nhờ trí tuệ nhân tạo, chúng tôi sẽ có thể xác định bệnh nhân nào có thể hưởng lợi từ việc điều trị ngắn hơn” - Fabrice Andre, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại viện ung thư Gustave Roussy của Pháp, cho biết.

Điều này có nghĩa là bệnh nhân gặp ít tác dụng phụ hơn và hệ thống y tế được giảm gánh nặng. 

Xét nghiệm sinh thiết lỏng

Sinh thiết lỏng có thể phát hiện ung thư trong ADN từ một xét nghiệm máu đơn giản - dễ dàng hơn và ít xâm lấn hơn so với sinh thiết truyền thống chỉ cần một mô đơn giản.

Xét nghiệm nhanh hơn và dễ dàng hơn sẽ giúp các bác sĩ phát hiện và hành động bệnh ung thư trước khi bệnh có cơ hội lây lan. 

Kỹ thuật mới hiện được sử dụng ở Mỹ "nhưng vẫn còn rất nhiều kết quả dương tính giả", bác sĩ Andre nói.

Vaccine

Từ lâu đã có vaccine để bảo vệ con người khỏi virus HPV gây ung thư cổ tử cung và vaccine chống viêm gan B - căn bệnh có thể dẫn đến ung thư gan.

Nhưng sau nhiều thập kỷ thất bại trong việc tạo ra vaccine ung thư, nhân loại hy vọng công nghệ mRNA đi tiên phong trong vaccine COVID-19 cũng có thể dẫn đến đột phá trong điều trị ung thư.

Các loại vaccine để điều trị ung thư, thay vì ngăn ngừa ung thư, là loại vaccine hứa hẹn nhất để phát triển. 

Tháng 12 năm ngoái, các nhà sản xuất thuốc Moderna và Merck đã công bố kết quả thử nghiệm ban đầu khả quan với vaccine mRNA được cá nhân hóa để điều trị cho bệnh nhân ung thư da.

Tháng 1.2023, công ty dược phẩm BioNTech của Đức cho biết 10.000 người ở Anh sẽ tham gia thử nghiệm vaccine ung thư mRNA được điều chỉnh cho từng khối u.

Steven Le Gouill tại Viện Curie của Pháp lạc quan về tương lai của việc điều trị ung thư. “Chúng ta đã vượt qua cột mốc quan trọng trong hiểu biết về tế bào khối u. Ung thư vẫn là một thử thách, nhưng đã có những tiến bộ theo cấp số nhân" - ông nói. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan