A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự ý bỏ thuốc điều trị tiểu đường dẫn đến biến chứng phổi

Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận một nam bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị tiểu đường sau 3 tháng dẫn đến biến chứng nguy hiểm tại phổi.

Cụ thể, nam bệnh nhân N.T.K (43 tuổi, ở Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Medlatec do khoảng 10 ngày nay có xuất hiện ho đờm xanh, tức ngực hai bên khi ho, cảm giác gai sốt về chiều, sụt 2 kg và đã uống kháng sinh 7 ngày nhưng không đỡ.

Bệnh nhân cho biết thêm, gia đình có bố đẻ điều trị lao phổi năm 2019, còn bản thân 6 năm trước phát hiện mắc tiểu đường type 2 nhưng uống thuốc không đều, thậm chí trong vòng 3 tháng nay còn tự ý bỏ thuốc.

Tự ý bỏ thuốc điều trị tiểu đường gây biến chứng khôn lường tại phổi
Bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị tiểu đường gây biến chứng khôn lường tại phổi

Cách đây 7 tháng, anh có đi kiểm tra sức khỏe tại một cơ sở y tế có chẩn đoán theo dõi lao phổi. Do không xuất hiện triệu chứng ho, sốt nào nên anh K, chủ quan không xét nghiệm đờm để chẩn đoán lao.

BSCKI Phạm Sơn Tùng, Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã thăm khám và chỉ định anh K, làm xét nghiệm máu, xét nghiệm vi sinh chuyên sâu và chụp CT lồng ngực.

Kết quả xét nghiệm có tăng bất thường chỉ số CRP - gợi ý cơ thể xuất hiện tình trạng viêm nhiễm cấp, xét nghiệm Glucose và HbA1c tăng cao.

Chụp CT lồng ngực kết luận hình ảnh đông đặc và nốt mờ hai phổi, có phá hủy tạo hang thùy trên phổi (theo dõi tổn thương do lao), hạch trung thất, thoái hóa cột sống ngực.

Đặc biệt, xét nghiệm vi sinh trên mẫu bệnh phẩm đờm có xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis dương tính.

Với chẩn đoán xác định anh K, mắc biêm phổi - lao phổi AFB âm tính - đái tháo đường type 2 - viêm gan B mạn tính, bác sĩ Tùng nhanh chóng hội chẩn cùng chuyên gia PGS.TS Hoàng Thị Phượng, Nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi (Viện Phổi Trung ương); Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội khoa Y (Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia cao cấp tại hệ thống Y tế Medlatec.

Được chuyên gia tư vấn, ngay lập bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú viêm phổi - lao phổi - đái tháo đường type 2 không kiểm soát.

PGS.TS Hoàng Thị Phượng chia sẻ: “Bệnh nhân đến bệnh viện Medlatec khám do vừa xuất hiện dấu hiệu cấp tính, dấu hiệu mạn tính và thêm triệu chứng viêm long đường hô hấp nên đặt ra vấn đề cần tầm soát bệnh lý cấp tính - bệnh hô hấp và bệnh lý mạn tính - bệnh lý nhiễm trùng. Hơn nữa, bệnh nhân này có bệnh nền, cộng với việc nghi ngờ mắc lao, dựa vào những yếu tố đó nên chúng tôi chỉ định bệnh nhân nhập viện nội trú điều trị”.

Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, mắc lao phổi và bệnh tiểu đường là hai yếu tố cộng hưởng làm cho sức đề kháng suy giảm nên khi đã mắc tiểu đường nếu không được kiểm soát sẽ thúc đẩy bệnh lao phổi tiến triển.

Vì vậy, nếu mắc bệnh tiểu đường, để tránh biến chứng khôn lường, bệnh nhân cần kiểm tra đường huyết và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để tránh biến chứng.

Trường hợp bệnh nhân K, bên cạnh những yếu tố nguy cơ cao như gia đình có bố mắc bệnh lao, bản thân bệnh nhân trước đây đi khám có chẩn đoán lao phổi, có mắc tiểu đường nhưng lại tự ý bỏ thuốc điều trị. Rất may mắn cho bệnh nhân K, được phát hiện kịp thời, chính xác nên tăng cơ hội điều trị thành công.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật