A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vào bệnh viện để biết lòng cha mẹ

Mùa Vu lan hàng năm luôn là dịp để nhắc nhở con cái về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Công lao ấy càng lớn hơn khi ngày ngày họ cùng con chiến đấu chống lại những căn bệnh hiểm nghèo.

Nỗi niềm của người mẹ trẻ

Trời nhập nhoạng tối, chị Đỗ Thị Hiển (Thái Nguyên) bồng bế con đi từ hiệu thuốc trước cổng Viện Nhi Trung ương ra, trên tay cầm túi đựng rất nhiều thuốc. Con trai chị - cháu Ngô Thanh Tùng năm nay 1 tuổi, da vàng vọt, xanh xao, mắt ngơ ngác nhìn quanh đầy mệt mỏi. Chị Hiển cho biết, cậu bé đang điều trị bệnh teo mật bẩm sinh.

Bé Tùng gầy yếu, xanh xao

Bé Tùng gầy yếu, xanh xao

“Đợt này con bị suy giảm albumin trong người (1 loại protein quan trọng trong cơ thể con người) khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn uống không tiêu, vàng da, vàng mắt, sưng phù tay chân, bụng”, chị Hiển buồn bã nói.

Khi được truyền Albumin thì chỉ số này trong cơ thể sẽ tăng lên và duy trì sự khoẻ mạnh cho cậu bé được một tháng, rồi lại đi bệnh viện. Mỗi lần đi viện, việc điều trị lâu hay nhanh còn tuỳ thuộc vào các bệnh bị lây nhiễm chéo. Suôn sẻ thì 1 tuần, nếu lây nhiễm bệnh thì đợt điều trị sẽ kéo dài từ nửa tháng đến một tháng.

Cho con ăn xong thì trời tối hẳn, 2 mẹ con chị Hiển lại ra ngồi ở khuôn viên bệnh viện. Vì hôm nay chưa truyền nên bé Tùng bị mệt, ánh mắt uể oải, cứ ngồi trong lòng mẹ mặt buồn xo. Chị Hiển kể: “Sau khi sinh gần 2 tháng, gia đình thấy con da vàng, hay quấy khóc. Ban đầu, hai vợ chồng tôi chỉ nghĩ là bình thường nên tích cực tắm nắng cho con. Được một thời gian không thấy những biểu hiện này giảm mà ngày càng trở nặng hơn. Gia đình tôi quyết định cho cháu xuống bệnh viện tỉnh khám, kết quả cho thấy men gan cao, các bác sĩ khuyên tôi đưa cháu xuống bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Ở đây, các bác sĩ đã kết luận là bệnh teo mật. Từ năm 2022 đến giờ, nhà tôi theo đuổi chữa trị cho con ở Hà Nội. Cứ định kỳ hàng tháng, tôi lại đưa cháu xuống truyền Albumin vì nếu không kịp thời, bụng cháu lại chướng, lá lách to”.

Tháng nào hai mẹ con chị Hiển cũng đều xuống viện Nhi Trung ương để điều trị

Tháng nào hai mẹ con chị Hiển cũng đều xuống viện Nhi Trung ương để điều trị

Mức chi phí điều trị bệnh, bé Tùng được bảo hiểm chi trả nhưng chi phí ghép gan thì không được thanh toán. Với mức chi phí ghép gan lên tới 6 đến 700 triệu đồng, gia đình chị Hiển không thể lo được nên đành theo đuổi điều trị và truyền Albumin cho bé Tùng đến lúc nào hay lúc đó.

Được biết, bệnh teo mật chỉ có thể khỏi khi ghép gan nhưng ghép thành công vẫn phải uống thuôc, tiêm, truyền, thăm khám gần như cả đời.

“Mỗi lần đến kỳ chưa truyền, con thường quấy khóc suốt, cả đêm tôi phải đi quanh hành lang bệnh viện bồng con trên tay để cháu đỡ khóc, ảnh hưởng đến các bạn đang điều trị. Mệt mỏi thế có là gì so với những sự bút dứt khó chịu mà con đang phải chịu đựng. Chỉ mong con gắng gượng khoẻ mạnh, đợi bố mẹ kiếm đủ tiền để ghép gan cho con”, chị Hiển rơm rớm nước mắt nói.

Mấy ngày vừa rồi thời tiết ở Hà Nội thất thường nên nhiều bệnh phát sinh. Vì thế, việc chăm sóc, giữ gìn cho bé Tùng lại càng vất vả. Con bám mẹ không rời, mẹ cũng không buông tay khỏi con một giây nào. Chỉ tranh thủ lúc bé ngủ, chị Hiển mới vội vàng làm công việc cá nhân.

Chị Hiển kể: “Khi nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh của con, cả gia đình tôi đều sốc và lo lắng. Nhìn con 2 tháng tuổi mà mang bệnh nặng, người làm cha, làm mẹ lại không thể giúp gì được, lúc đó tôi chỉ biết khóc. Thế rồi, đưa cháu xuống viện điều trị, tiếp xúc với nhiều cha mẹ khác cũng có con bị bệnh teo mật, các mẹ lại tự động viên, an ủi nhau, rồi nỗi buồn cũng nguôi ngoai và quan trọng là mình phải cố gắng để cùng con chữa trị”.

Để kiếm tiền nuôi gia đình và lo cho con bị bệnh, chồng chị Hiển phải đi làm xa nhà, những lúc nhớ con, chỉ biết gọi video call để nhìn con và động viên vợ.

Trong khuôn viên bệnh viện, những câu chuyện thường bị ngắt đoạn vì các bố, mẹ phải dỗ dành con nhưng những hành động trợ giúp nhau trông con, mua đồ, những câu nói an ủi nhau… cũng một phần nào khiến họ nguôi ngoai đi nỗi buồn mà cố gắng hơn, có cái nhìn tích cực hơn để làm chỗ dựa vững chắc cho con.

Con khỏe mạnh là điều hạnh phúc nhất

Cũng trong khuôn viên sân chơi Bệnh viện Nhi Trung ương, bên cạnh những đứa trẻ đang vui đùa trên xích đu, đu quay, cầu trượt... là những ánh mắt lo lắng của những người làm cha, làm mẹ ở phía xa xa đang dõi theo các con. Ở đây, có nhiều em nhỏ đang phải chiến đấu với bệnh tật và chịu đau đớn mỗi ngày. Nhìn thấy các con có thể vui vẻ mà tạm thời quên đi đau đớn, đó là niềm vui, cũng là niềm hy vọng con sẽ sớm khỏe mạnh của người làm cha, làm mẹ.

Anh VT quê ở Nghệ An trải lòng: “Ai có con bị bệnh cũng chỉ có một mong muốn là con nhanh khỏi bệnh. Chỉ cần con khoẻ mạnh, mọi thứ đều không quan trọng”.

Gia đình anh VT đều làm nghề nông, công việc của hai vợ chồng chủ yếu là cày cấy. Anh chị kết hôn sớm nhưng mãi mới đón đứa con đầu lòng. Tuy nhiên bé Minh, mới 8 tháng tuổi đã phát hiện bị viêm đường tiết niệu và phải điều trị tích cực.

Khi phát hiện con trai bị bệnh, anh VT đã đưa con đi khám ở bệnh viện tỉnh Nghệ An nhưng sau đó được yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị để bệnh, nếu không diễn biến sẽ nghiêm trọng hơn. Anh chị vội vàng đưa con lên Hà Nội chạy chữa. Vì con còn nhỏ, chưa biết nói, không biết kêu đau nên quấy khóc nhiều khiến anh chị càng sốt .

Anh VT chia sẻ: “Dù biết phải gác lại công việc đến cả tháng là khó khăn về kinh tế nhưng vì con, chúng tôi quyết định đi cùng cháu”, nói đến đây, anh VT lại trầm ngâm suy nghĩ về những gánh nặng kinh tế đang đè lên gia đình nhỏ. Anh VT nhìn xa xăm, hy vọng cả gia đình có nhau có nghĩa là có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn này.

Chưa đầy một tuổi nhưng bé Minh ngày nào cũng phải truyền thuốc

Chưa đầy một tuổi nhưng bé Minh ngày nào cũng phải truyền thuốc

Áp lực kinh tế của gia đình anh VT rất lớn bởi toàn bộ chi phí ra Hà Nội chạy chữa đều là tiền anh chị tích góp và được người thân ở quê trợ giúp. Ngày nào bé Minh cũng phải truyền thuốc nên viện phí tương đối cao. Anh chị luôn cố gắng động viên lẫn nhau để chăm sóc con nhưng ánh mắt vẫn không giấu được nỗi lo về kinh tế.

Trưa nay, cho con ăn xong, anh VT bế con để vợ dọn dẹp, bữa trưa của người vợ trẻ cũng chỉ là mấy thìa cháo còn thừa lại mà con không ăn hết, xong rồi chị lại tất tả chạy đi lấy kết quả. Khi về đến phòng bệnh, hai vợ chồng chị lặng lẽ nhìn kết quả rồi chị chìa tay bế con để chồng đi ăn.

Anh TVT chia sẻ: “Bác sĩ nói con có thể chất tốt nên có thể khỏi bệnh trong 1 - 2 tuần tới. Gia đình tôi cũng hy vọng mong con sẽ khỏe lại, bởi con khỏe mạnh là điều làm cha mẹ hạnh phúc nhất. Kinh tế là gánh nặng hiện tại nhưng có thể làm ra trong tương lai, có sức khoẻ là có tất cả”.

Vào bệnh viện có nhiều bệnh nặng và nhẹ nhưng dù bệnh nào thì cha, mẹ luôn là người chăm lo cho con và vất vả về cả thể chất lẫn tinh thần. Họ chỉ có mong ước duy nhất là con họ có thể vượt qua được đau đớn, bệnh tật, được sống khoẻ mạnh như mọi người, đó là hạnh phúc.

Con cái luôn là điều quan trọng nhất đối với cha mẹ và họ luôn sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ con. Có thể ngoài kia cha mẹ đang phải chiến đấu với những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả nhưng khi về bên gia đình, họ luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp, bình yên nhất.


Tác giả: Đình Trung
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan