A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Long An nỗ lực thoát nghèo bền vững

Dự kiến, đến cuối năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo so với cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, hàng năm giảm 15%/tổng số hộ nghèo. Hiện nay, tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, tổng số hộ nghèo cuối năm 2021 của tỉnh Long An là 6.296 hộ chiếm tỷ lệ 1,31%; đến cuối năm 2023 số hộ nghèo là 3.654 hộ chiếm tỷ lệ 0,75%. Dự kiến đến cuối năm 2024, số hộ nghèo là 3.106 hộ chiếm 0,60% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); ước đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm trước một năm so với chỉ tiêu kế hoạch, hộ đạt 101,3% chỉ tiêu đề ra.

Đối với kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Long An thì chỉ tiêu và nhiệm vụ đều đạt và vượt trội so với kế hoạch đề ra. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố giải ngân hơn 4,8 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (đạt 52,3% kế hoạch được giao), gần 5 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 8,5% kế hoạch được giao).

Đa dạng hóa sinh kế hướng đến giảm nghèo bền vững
Đa dạng hóa sinh kế hướng đến giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Văn Đát)

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết, các văn bản của Trung ương ban hành cơ bản đã đảm bảo cho địa phương thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn năm 2022 - 2023 được chuyển sang năm 2024 và vốn phân bổ năm 2024 hơn 124,1 tỷ đồng.

Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, tỉnh còn đẩy mạnh việc thực hiện một số chính sách ưu đãi như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. “Từ đó, các chính sách này góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo được cải thiện, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống đời sống”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An chia sẻ

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực song chương trình vẫn tồn tại một số mặt hạn chế như: Nguồn ngân sách Trung ương phân bổ phải thông qua Hội đồng Nhân dân và những quy định mới trong điều chỉnh các nguồn vốn nên việc triển khai còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình. Tỷ lệ giải ngân ở một số địa phương còn thấp (dưới 5%). Công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm nghèo bền vững cho người dân ở một số địa phương chưa tốt. Công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương còn chưa quyết liệt.

Lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề tại địa phương
Lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề tại địa phương. (Ảnh: Lê Ngọc)

Do đó, tỉnh Long An xác định đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2030 giảm 1/2 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới giai đoạn 2026 - 2030. Hàng năm, tỉnh giảm 15%/tổng số hộ nghèo. Ngoài ra, Long An hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng và thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cải thiện đời sống cho hộ nghèo thuộc diện trợ giúp xã hội; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.

Một trong những giải pháp tích cực được tỉnh Long An đang tập trung thực hiện đó là hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới làm cơ sở để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn mới như: Thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, với kinh phí trên 70 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới 850 căn nhà trị giá hơn 41 tỷ đồng, sửa chữa 293 căn nhà trị giá hơn 7 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển kinh tế 770 hộ với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế 100%.

Đồng thời, tỉnh Long An tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành đầu mối các dự án, tiểu dự án và các địa phương triển khai thực hiện các nội dung để nâng cao hiệu quả công tác triển khai chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chương trình nhằm phát hiện và đưa ra các kiến nghị đối với công tác giảm nghèo của các địa phương; góp phần khắc phục các mặt hạn chế, khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh Long An phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2024 giải ngân 100% nguồn vốn được phân bổ.

Link bài gốc Copy link
 

Tác giả: Hoàng Lân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan