A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 khó thành hiện thực

Nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nhận được nhiều quan tâm. Giới chuyên gia nhận định, để hoàn thành mục tiêu của đề án, cần làm tốt công tác quy hoạch đất.

Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 khó thành hiện thực

Nhu cầu nhà ở xã hội tại các thành phố còn rất lớn. Ảnh: Phan Anh

Nhà ở xã hội ở ngoại thành bán mấy chục lần không ai mua

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kí Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Anh Quê - CEO G6 Group cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội cần làm tốt công tác quy hoạch quỹ đất. “Hiện nay đang đề xuất lập các khu quy hoạch tập trung nhưng cần xét đến yếu tố hạ tầng. Vừa qua có bài học lớn về những dự án nhà ở xã hội ở ngoại thành bán mấy chục lần không có ai mua. Cần tính toán làm sao để có những khu đô thị NƠXH cách trung tâm dưới 15 km.

Hiện đang dự thảo sửa đổi luật bỏ 20% nhà xã hội trong dự án thương mại. Quan điểm của tôi đối với đô thị loại 1 với Trung ương là không nên. Chủ đầu tư phải đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng do nhà nước triển khai trong vòng khoảng một năm là xong, thủ tục đầu tư khoảng một năm nữa là hai năm” - ông Quê nói.

Cũng theo ông Quê, hiện tại triển khai những dự án nhà ở xã hội quá lâu, rơi vào tầm 5-10 năm. Như vậy, mục tiêu 1.000.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 không đáp ứng được.

Có thể định biên mức lợi nhuận cao hơn 15 - 20% để chủ đầu tư không ngại vấn đề lãi vốn ngân hàng. Cần có chế độ đặc thù về lãi vốn ngân hàng đối với nhà ở xã hội cho cả người vay và người mua, từ đó mới giải quyết được sự hào hứng, quyết tâm của doanh nghiệp để triển khai nhà ở xã hội.

“Nếu như bỏ được những nội dung như trên thì nguồn cung nhà ở xã hội sẽ dồi dào. Chúng ta đang vướng cả vấn đề vốn, thủ tục không gỡ được. Vướng mắc ở chính thể chế do vấn đề các luật không đồng nhất, quy định không rõ ràng” - ông Quê chia sẻ.

Lãi suất 8,2%/năm hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) hoan nghênh đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của chương trình áp dụng từ nay đến ngày 30.6.2023 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12.12.2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, với quy định “áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm” và “lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi”, thì “ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất” có thể dẫn đến rủi ro cho người vay vốn, khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, lãi suất cho vay nhà ở xã hội vẫn còn cao. Nhà thương mại vận hành theo cơ chế thị trường, cầu thoả mãn thì cung sẽ giảm. Nhà ở xã hội là an sinh xã hội nên gói 120.000 tỉ giúp những người làm công ăn lương không tiếp cận được nhà ở thương mại có thể mua được nhà.

“Nếu lãi suất được đưa xuống mức 5-6% sẽ phù hợp hơn. Đặc biệt là vốn này phải được cho vay trong thời gian dài đối với cả nhà đầu tư và người mua để họ có thể trả lãi. Thời gian 5 năm, giá vốn cao là một thách thức đối với người mua nhà ở xã hội” - ông Điệp nói với PV Lao Động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan