Thụ hưởng chương trình giảm nghèo bền vững: Nhiều hộ nghèo vẫn chưa thoát nghèo
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai tại huyện nghèo ở tỉnh Quảng Trị nhiều năm nay, nhưng nhiều hộ nghèo được thụ hưởng chương trình vẫn chưa thể thoát nghèo.
Cán bộ xã Mò Ó (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) rà soát việc hỗ trợ cho các hộ nghèo. Ảnh: Hưng Thơ
Hộ nghèo vẫn đang nghèo “bền vững”
Gia đình chị Hồ Thị Thoả ở thôn Đồng Đờng (xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ bò giống sinh sản từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững vào năm 2019.
Trước khi nhận bò về, vợ chồng chị Thỏa đã trồng cỏ, làm chuồng ở mảnh đất phía sau lưng nhà để chăn nuôi. Thế nhưng, bò nuôi được hơn 1 năm, thì lăn ra chết không rõ lý do.
Bò chết, chuồng bò bỏ không hơn 2 năm nay, cỏ trồng cho bò thì bỏ hoang. 2 vợ chồng trẻ với 4 đứa con nhỏ chỉ có 2 sào ruộng và ít đất rừng, nên năm 2023 này vẫn là hộ nghèo.
Trong số các hộ nghèo, gia đình chị Thỏa thuộc diện may mắn vì được nhận bò giống. Còn phần nhiều các hộ nghèo khác ở cùng thôn chỉ nhận dê sinh sản, nhưng mỗi hộ chỉ có 2 con. Như hộ nghèo Hồ Thị Biểu (thôn Đồng Đờng) nhận 2 con dê vào năm 2016, về nuôi được một thời gian ngắn thì 1 con chết, 1 con bị mất. Nay chuồng dê vẫn còn nguyên đó, và gia đình chị vẫn đang là hộ nghèo.
Ở xã Mò Ó, các hộ gia đình được cấp bò giống sinh sản, dê sinh sản thuộc nguồn vốn chương trình giảm nghèo tại xã Mò Ó hầu như đã chết, hoặc các hộ gia đình đã bán hết. Chỉ vào trường hợp đang duy trì được việc nuôi dê sinh sản, nhưng cũng không mấy hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Hoành Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó - cho biết, hàng năm xã nhận kinh phí từ chương trình giảm nghèo bền vững về, thì xem xét hộ nghèo nào đủ điều kiện thì hỗ trợ. Nhưng kinh phí có hạn, hộ nghèo lại nhiều, nên phải “xé nhỏ” ra, quy định cũng có hạn mức, nên các hộ nhận được hỗ trợ thấp. Người dân được hỗ trợ gia súc để chăn nuôi nhưng chưa được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, nên không hiệu quả và khi mắc bệnh dễ bị chết.
Khó giải ngân nguồn vốn giảm nghèo, làm sao thoát nghèo?
Đakrông là huyện nghèo duy nhất ở tỉnh Quảng Trị, hiện có tỉ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 57%.
Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông - cho biết, năm 2022 huyện Đakrông đươc phân bổ 66,5 tỉ đồng ngân sách Trung ương để đầu tư 31 công trình, dự án. Tuy nhiên, hết năm 2022 mới giải ngân được 19,4 tỉ đồng, tương ứng 30,02%.
“Không giải ngân được vốn giảm nghèo, thì làm sao hộ nghèo giảm nghèo được” - ông Nguyễn Đăng Sơn, cho hay.
Năm 2023, huyện Đakrông được hỗ trợ 61,8 tỉ đồng cho việc giảm nghèo bền vững, trong đó có hợp phần dự án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo với số tiền 36,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, hợp phần dự án này đặt ra nhiều quy định, như xã hội hóa mỗi căn nhà thêm 30 triệu đồng, quy định về hộ độc lập có thời gian tách hộ... Vì nhiều yêu cầu đặt ra, nên việc giải ngân vốn xây dựng nhà ở cho hộ nghèo rất khó khăn, nguy cơ cao không thể giải ngân được trong năm 2023.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nhiều văn bản của bộ ngành có sự chồng chéo về thẩm quyền khiến địa phương bị vướng mắc, lúng túng trong thực hiện, việc giải ngân vốn chậm trễ, nhiều dự án, chương trình giảm nghèo bị ngưng trệ. Đặc biệt, Trung ương không phân bổ vốn sự nghiệp cả giai đoạn, vì vậy địa phương gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch.