A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp niêm yết đồng loạt hoãn hoặc hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu

Trong bối cảnh thị trường không mấy thuận lợi, một số doanh nghiệp đã tiến hành thay đổi kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn hoặc tạm hoãn để chờ thời điểm thị trường thuận lợi hơn. Đáng chú ý, nhiều kế hoạch phát hành bị hủy bỏ.

Doanh nghiệp niêm yết đồng loạt hoãn hoặc hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu |  Vietstock

Ngày 22/09, Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) ra quyết định hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cp với tỉ lệ thực hiện quyền là 2:1 cho cổ đông hiện hữu. Dự tính giá phát hành là 12,000 đồng/cp với tổng giá trị của đợt phát hành là hơn 2,019 tỷ đồng. Lý do hủy phương án phát hành cổ phiếu được ASM đưa ra là do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.

Tương tự, tại tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường 19/08, HĐQT Dược Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP) cũng đã có công bố quyết đinh hủy phương án phát hành 25 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp. Nguyên nhân đưa ra là HĐQT LDP nhận thấy phương án chào bán riêng lẻ không còn phù hợp tình hình hiện tại.

Một doanh nghiệp khác là Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) cũng đã dừng triển khai việc chào bán 20 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp để huy động 200 tỷ đồng được thông qua ngày 10/12/2021 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Nguyên nhân là do HĐQT JVC nhận thấy việc thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chưa cần thiết.

Mới đây là trường hợp của Louis Capital (HOSE: TGG) khi ngày 14/10 tới đây, Công ty sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để trình phương án hủy kế hoạch huy động tổng hơn 682 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Nguyên nhân là do HĐQT nhận thấy phương án tăng vốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 tổ chức tháng 4/2022, cổ đông của TGG đã thông qua kế hoạch thực hiện 2 đợt huy động vốn, một là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, hai là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ở cả 2 đợt huy động, Công ty đều dự kiến phát hành hơn 27 triệu cp với giá 12,500 đồng/cp. Ước tính, TGG có thể thu về tối đa hơn 341 tỷ đồng ở mỗi đợt phát hành.

Hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu

Ngày 23/09, HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) công bố quyết định tạm dừng phương án phát hành riêng lẻ (đã thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022). Việc dừng phương án trên nhằm cân đối tính toán lại phương án phù hợp với thời điểm hiện tại. Công ty cho biết sẽ công bố phương án mới sau khi chốt. Trước đó, HAG đã thống nhất chào bán 162 triệu cp với giá 10,500 đồng/cp. Tổng số tiền huy động gần 1,700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (HOSE: CKG) cũng quyết định tạm dừng phát hành hơn 13.4 triệu cp riêng lẻ với giá bán 15,000 đồng/cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc tạm dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ chưa được Công ty công bố lý do cụ thể.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, HOSE: BSI) tạm hoãn phát hành 65.7 triệu cp riêng lẻ cho đối tác chiến lược Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hana (HFI) với giá 41,000 đồng/cp. Lý do là HFI chưa hoàn tất các thủ tục theo Thỏa thuận đặt mua cổ phần đã ký với BSC.

Tuy nhiên, HFI vẫn khẳng định tiếp tục thực hiện giao dịch với BSI. Do vậy, để đảm bảo lợi ích của cổ đông, theo đề xuất của HFI, HĐQT BSI quyết định dừng đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.

Điều chỉnh kế hoạch tăng vốn

Thay vì hoãn hoặc hủy kế hoạch phát hành, không ít doanh nghiệp chủ động tiến hành điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu.

Chẳng hạn như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022. Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 lần 2, Công ty sẽ trình cổ đông phương án chào bán tối đa 100 triệu cp với giá 15,000 đồng/cp.

Số lượng cổ phiếu chào bán không thay đổi so với kế hoạch ban đầu, song giá chào bán đã giảm một nửa. Số tiền dự thu theo đó giảm một nửa, còn 1.5 ngàn tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện từ quý 4/2022-1/2023, mục đích vẫn là đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.

Trong khi đó, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HOSE: TNH) lại đề xuất thực hiện đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) mới thay cho các phương án đã đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên trong tháng 5/2022. Nguyên nhân là do TNH chưa thống nhất được với một số đối tác nên chưa thể triển khai phương án phát hành.

Phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu và ESOP mới tương tự phương án đã đề ra tuy nhiên sẽ thay đổi ở 1 vài điểm.

Với đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, TNH vẫn sẽ phát hành gần 26 triệu cp với giá chào bán 20,000 đồng/cp; tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là gần 519 tỷ đồng. So với phương án tại ĐHĐCĐ thường niên, điểm khác biệt là phần lớn số tiền huy động được, Công ty vẫn sẽ dùng để đầu tư dự án Bệnh viện TNH Việt Yên; song số tiền còn lại thay vì bổ sung vốn lưu động sẽ được dùng để mua máy móc thiết bị cho TNH, cùng với đó là trả nợ vay các tổ chức tín dụng.

Với phương án phát hành cổ phiếu ESOP, Công ty vẫn giữ số cổ phiếu chào bán là 2.5 triệu cp và giá chào bán 10,000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, TNH sẽ huy động được 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với phương án trước thì thời gian hạn chế chuyển nhượng thay vì 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán sẽ được đổi thành 4 năm. Toàn bộ số tiền TNH thu về (25 tỷ đồng) sẽ dùng để trả nợ ngân hàng BIDV, chi nhánh Thái Nguyên.

Còn đối với Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX), so với phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu ban đầu, Công ty thay đổi tỷ lệ thực hiện quyền từ 100% xuống còn 86% và mục đích sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán.

Theo đó, HAX dự kiến chào bán hơn 48.97 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 12,000 đồng/cp, ít hơn 545,467 cp so với phương án ban đầu.

Tổng số tiền ước thu được là 588 tỷ đồng, sẽ được HAX sử dụng mua hàng tồn kho xe Mercedes-Benz (400 tỷ đồng), phụ tùng, vật tư, nguyên vật liệu sửa chữa xe (100 tỷ đồng), bổ sung vốn lưu động khác (50 tỷ đồng) và đầu tư xây dựng cơ bản, tài sản cố định, máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ liên quan đến mở thêm đại lý kinh doanh Mercedes-Benz (38 tỷ đồng). Trước đó, HAX dự kiến dùng số tiền huy động được để mở thêm các đại lý kinh doanh xe Mercedes-Benz.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật