A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp xi măng chìm trong thua lỗ

Xoay sở trong khó khăn, tiêu thụ chậm, đối mặt chi phí tăng cao, một số doanh nghiệp xi măng đã phải chấp nhận giảm giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí duy trì hoạt động.

Theo số liệu thống kê từ VietstockFinance, của 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC từ quý 1/2022 - 3/2024, sau khi có lãi nhẹ trong quý 2 thì lại quay đầu báo lỗ hơn 64 tỷ đồng trong quý 3, cùng kỳ lỗ hơn 128 tỷ đồng; trong khi doanh thu tăng 5%, lên 5,084 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng từ quý 1/2022 - quý 3/2024
Nguồn: VietstockFinance

Trong 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn, chỉ có 1 doanh nghiệp lãi tăng, 4 giảm, 2 lỗ chuyển lãi, 1 lãi chuyển lỗ, còn lại 9 doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ.

Doanh nghiệp duy nhất có lãi tăng trong quý 3 là CTCP Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ) với lợi nhuận ròng hơn 5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Xi măng Sài Sơn cho biết, do nhà máy hoạt động ổn định, chi phí lãi vay giảm; đồng thời, Công ty đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá để bán hết sản phẩm, tăng độ phủ trên thị trường khiến lợi nhuận tăng. Sau 9 tháng, lãi ròng của SCJ tăng 51% so với cùng kỳ. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 11 tỷ đồng của năm, SCJ đã hoàn thành được 69%.

KQKD của doanh nghiệp xi măng trong quý 3/2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Nhờ sản lượng tiêu thụ xi măng tăng trong khi chi phí giảm đã giúp Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) lãi ròng quý 3 gần 23 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng 9 tháng đạt gần 44 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 37 tỷ đồng; doanh thu giảm nhẹ 4%, về 5,041 tỷ đồng. So với kế hoạch năm trên nền thấp, HT1 đã vượt 89% mục tiêu lợi nhuận, còn doanh thu thực hiện được 72% kế hoạch và là doanh nghiệp sáng nhất trong 9 tháng đầu năm nay.

VICEM Thạch cao Xi măng (HNX: TXM) lãi ròng quý 3 gần 400 triệu đồng, cùng kỳ lỗ 800 triệu đồng. 9 tháng, TXM lãi hơn 1 tỷ đồng, giảm 53%. Tuy nhiên, Doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế hơn 6 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9.

TXM cho biết, tình hình sản xuất 9 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, do thị trường bất động sản chưa phục hồi, cạnh tranh khốc liệt về giá bán, đặc biệt tại Thừa Thiên - Huế; các công trình xây dựng dân dụng mới ít được khởi công, các dự án chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Công ty. Ngoài ra, tiền thuê đất tăng đột biến khiến lợi nhuận thu được không bù đắp nổi chi phí.

Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp cùng ngành thua lỗ thì việc duy trì được lợi nhuận ròng như CTCP Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH) đạt 5 tỷ đồng hay CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (UPCoM: QNC) hơn 3 tỷ đồng cũng là nỗ lực đáng ghi nhận, dù so với cùng kỳ giảm lần lượt 44% và 92%.

Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang vượt khó

KQKD của doanh nghiệp xi măng trong 9 tháng đầu năm 2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) là doanh nghiệp lỗ nhiều nhất trong quý 3 với hơn 26 tỷ đồng, cũng là quý thua lỗ thứ 8 liên tiếp (từ quý 4/2022). Lũy kế 9 tháng, BTS lỗ ròng gần 122 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 64 tỷ đồng; trong khi doanh thu thuần gần 1,840 tỷ đồng, giảm 3%.

Xi măng VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM) cũng lỗ hơn 11 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 27 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, HOM mang về doanh thu thuần gần 1,204 tỷ đồng, giảm 5%; lỗ ròng hơn 51 tỷ đồng.

HOM cho biết, ngành xi măng vẫn đang đối mặt với khó khăn, do nguồn cung cao, trong khi thị trường trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất. Đồng thời, xu hướng dịch chuyển nhu cầu xi măng bao sang xi măng rời ngày càng tăng, làm giảm hiệu quả kinh doanh của Công ty, do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao.

Trong 9 tháng đầu năm, có 5 doanh nghiệp đạt doanh thu trên ngàn tỷ đồng gồm HT1, BCC, BTS, HOMQNC. Trong đó, QNC có lãi giảm 63%, còn hơn 35 tỷ đồng; HT1 có lỗ chuyển lãi; còn lại 3 doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ.

Top doanh nghiệp có doanh thu trên ngàn tỷ trong 9 tháng (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Tính đến cuối tháng 9, nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành xi măng có tổng giá trị tồn kho hơn 2,500 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho của ông lớn HT1 chiếm hơn 30%, với gần 790 tỷ đồng - giảm 11% so với đầu năm; giá trị thành phẩm của HT1 gần 432 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Nguồn: VietstockFinance

Ngành xi măng vẫn đang bất định?

Ngành xi măng vẫn đang đối mặt muôn vàn khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vì nhiều yếu tố như giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành. Bên cạnh đó, tiêu thụ nội địa yếu do các dự án đầu tư công triển khai còn chậm, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ nét…

Năm 2024, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60-62 triệu tấn xi măng; trong khi cả nước hiện có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 117 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất thực tế có thể đạt trên 130 triệu tấn/năm. Số liệu cho thấy, sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 1/2 công suất thiết kế là sự lãng phí, chưa kể đến sự tồn tại của các nhà máy và đời sống của người lao động.

9 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ xi măng nội địa cũng chỉ xấp xỉ với năm ngoái và tiếp tục duy trì ở mức thấp; trong khi xuất khẩu giảm hơn 4%, ở mức 22.5 triệu tấn.

Xoay sở trong khó khăn, một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí duy trì hoạt động.


Tác giả: Thanh Tú
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật