TKV tinh giản khoảng 27.000 lao động trong 10 năm
Quảng Ninh - Cùng với tái cơ cấu, giảm đầu mối, TKV đã tinh giảm hàng vạn lao động nhưng vẫn duy trì sản lượng cao.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tập đoàn này đã giảm 21 đầu mối doanh nghiệp trực thuộc. Tính đến thời điểm ngày 1.12.2024, TKV chỉ còn 65 công ty con, đơn vị trực thuộc.
Những năm qua đã sáp nhập các công ty thành viên, công ty cổ phần. Trong đó, năm 2024, sáp nhập Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu.
Trước đó, thực hiện tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020, năm 2017, TKV đã tiến hành sáp nhập Công ty Kho vận Hòn Gai với Công ty Tuyển than Hòn Gai thành Công ty Tuyển than Hòn Gai. Năm 2018, TKV tiến hành hợp nhất Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 và Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 thành Công ty Xây lắp mỏ; Công ty Than Hồng Thái sáp nhập vào Công ty Than Uông Bí thành Công ty Than Uông Bí.
Tháng 5.8.2020, Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài hợp nhất thành Công ty CP Than Cao Sơn.
Các phòng, ban đơn vị trước đây duy trì mô hình 24-28 phòng ban, nay giảm còn 14-15 phòng ban/đơn vị.
Đặc biệt, trong 10 năm, từ 2014 tới 2024, số lượng lao động toàn TKV giảm khoảng 27.000 người, từ 122.000 người năm 2014 xuống còn gần 95.000 người vào năm 2024.
Tuy nhiên, sản lượng than sản xuất giai đoạn 2007 - 2024 đều duy trì từ 38 - 40 triệu tấn/năm, đạt mức cao nhất 45 triệu tấn vào năm 2011.
Ngành công nghiệp khoáng sản phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo hướng tăng cường chế biến sâu, tạo sự phát triển rõ rệt, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế. Sản lượng các kim loại màu sau chế biến tăng trưởng từng năm. Lĩnh vực sản xuất điện, vật liệu xây dựng phát triển đảm bảo hiệu quả, nâng cao tính tự chủ, ổn định và bền vững cho ngành Than, khoáng sản.
Qua đó, gia tăng lợi nhuận với trên 90.000 tỉ đồng trong 30 năm; vốn của nhà nước tại TKV được bảo toàn và phát triển với tỷ lệ tăng gấp 45 lần so với năm 1995; doanh thu tăng 68 lần so với năm 1995; nộp ngân sách nhà nước năm 2023 tăng hơn 200 so với năm 1995.
Theo TKV, để có được điều này, thì ngoài việc tái cơ cấu, giảm đầu mối, tinh giản lao động thì TKV đầu tư mạnh cho công nghệ, liên tục chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó, năng suất lao động tăng bình quân 9%/năm, trong đó năng suất lao động trực tiếp công đoạn khai thác than lò chợ tăng 5,3%/năm; tiền lương bình quân tăng 8,6%/năm, trong đó tiền lương bình quân thợ lò đã đạt mức 1.000 USD/tháng.
Hiện, chỉ trong lĩnh vực khai thác than, toàn TKV có khoảng 10.000 thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm trở lên, trong đó có nhiều người có thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm.