Tương lai bất định của doanh nghiệp xi măng
Lại thêm một kỳ làm ăn sa sút của ngành xi măng khi chứng kiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong 3 tháng đầu năm 2024. Đây là quý thứ 3 liên tiếp ngành này thua lỗ.
Dù đã có nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, có vẻ điều đó vẫn chưa đủ thấm để giúp ngành xi măng vượt khó trong thời gian qua.
Theo số liệu từ VietstockFinance của 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC từ quý 1/2022-1/2024. Ngành xi măng “ngấm đòn” từ quý đầu năm 2023 khi doanh thu bắt đầu sụt giảm từ hơn 7 ngàn tỷ đồng (quý 4/2022) xuống còn hơn 4.4 ngàn tỷ đồng trong quý đầu năm 2024.
Tệ hơn, ngành này tiếp tục thua lỗ hơn 215 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, cùng kỳ lỗ 143 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp ngành xi măng làm ăn thua lỗ.
Doanh thu và lợi nhuận của DN xi măng từ quý 1/2022 - quý 1/2024 Nguồn: VietstockFinance |
Chỉ 1 doanh nghiệp lãi tăng
Thống kê của VietstockFinance cho thấy, trong 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 1/2024, chỉ có 1 doanh nghiệp lãi tăng, 4 giảm lãi và 1 doanh nghiệp lỗ chuyển lãi. Còn lại 11 doanh nghiệp đều kinh doanh thua lỗ với 4 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ và 7 tiếp tục thua lỗ.
Xi măng Yên Bình (UPCoM: VCX) là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận tăng trưởng, đạt hơn 4 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ. Kết quả này nhờ vào giá thành sản xuất, giá vốn hàng bán giảm đáng kể, giúp lợi nhuận tăng.
Nhờ cắt giảm chi phí tối đa, Xi măng Thái Bình (HNX: TBX) cũng có kết quả khả quan khi lãi ròng gần 300 triệu đồng, cùng kỳ lỗ 154 triệu đồng.
Đối với nhóm giảm lãi, đáng chú ý nhất là Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH) chứng kiến lợi nhuận lao dốc 96% trong quý 1, còn gần 400 triệu đồng.
CLH cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái thị trường, bất động sản trầm lắng, nhu cầu xi măng suy giảm, đặc biệt trùng với lịch nghỉ tết Nguyên đán nên sản lượng tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm bình quân cũng giảm so với với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty đã dừng dây chuyền với thời gian tương đối dài để bảo dưỡng, sửa thiết bị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh trong quý vừa qua.
KQKD của doanh nghiệp xi măng trong quý 1/2024 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Các doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ trong quý 1. Trong đó, ông lớn Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) tiếp tục lỗ 25 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 86 tỷ đồng.
Không khá hơn, Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) lỗ ròng gần 49 tỷ đồng, nối dài chuỗi thua lỗ lên con số 7 quý liên tiếp của doanh nghiệp (từ quý 3/2022).
Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) lỗ hơn 55 tỷ đồng và là doanh nghiệp lỗ nặng nhất, đánh đấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.
Kế hoạch 2024 bi quan
Khó khăn dự kiến vẫn còn tiếp tục đeo bám ngành xi măng khi nhiều ông lớn đặt kế hoạch bi quan.
Điển hình như Xi măng Bỉm Sơn đưa kế hoạch 2024 với mức lỗ sau thuế gần 159 tỷ đồng; trong khi tổng doanh thu gần 3,096 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0.5% so với năm 2023.
Nhận định còn nhiều khó khăn, Xi măng VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM) đặt kế hoạch lỗ gần 104 tỷ đồng; BTS có kế hoạch lỗ 111 tỷ đồng.
HT1 và Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ) có vẻ lạc quan hơn khi đặt mục tiêu lãi sau thuế lần lượt hơn 23 tỷ đồng, tăng 31% và hơn 11 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2023. Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (UPCoM: QNC) đặt kế hoạch lãi sau thuế đi lùi 57%, đạt 34 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance |
Về sản lượng, phần lớn doanh nghiệp đều đặt kế hoạch sản xuất tăng trưởng. Trong đó, HT1 dự kiến sản xuất clinker gần 4.1 triệu tấn và xi măng 5.66 triệu tấn, lần lượt tăng 8% và 5% so với năm trước. Hay BCC đặt kế hoạch sản xuất clinker hơn 2.3 triệu tấn, tăng 35% và xi măng (bao gồm gia công) gần 3 triệu tấn, tăng 6%.
Nguồn: VietstockFinance |
Khi nào thoát lỗ?
Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp ngành xi măng nhận định sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam năm 2024 khó có khả năng tăng trưởng so với năm 2023, do cạnh tranh nguồn xuất từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực.
Cùng với đó là nguồn cung và giá nguyên nhiên vật liệu tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi nhu cầu sử dụng xi măng lại thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Ông Hà Quang Hiện - Chủ tịch HĐQT CTCP Logistics Vicem (HOSE: HTV) đánh giá ngành xi măng trong hơn 120 năm qua chưa bao giờ khó khăn về công tác tiêu thụ như hiện nay. Hầu hết đơn vị xi măng đang rất khó khăn và đa phần kinh doanh thua lỗ.
Ông Lưu Đình Cường - Tổng Giám đốc HT1 cho rằng không thể đoán được khi nào ngành xi măng sẽ phục hồi, vì còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình vĩ mô, kinh tế thế giới…
Điều này cho thấy phía trước ngành xi măng đang rất mù mờ, bất định, khiến nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tiếp tục lỗ trong năm 2024 cũng là điều dễ hiểu.