A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bấp bênh lao động xuất khẩu khi về nước

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2023 là hơn 28.400 người. Con số này cho thấy thị trường xuất khẩu dần lấy lại “phong độ” thời điểm trước dịch COVID-19, với khoảng 120.000 người đi làm việc tại nước ngoài mỗi năm. Cùng với bức tranh tươi sáng đó, chuyện lao động hết thời hạn về nước, tìm việc làm là vấn đề khá nan giải...

Bấp bênh lao động xuất khẩu khi về nước

Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động theo Chương trình IM Japan về nước do TTDVVL Hà Nội tổ chức. Ảnh: L.Hạnh

Về rồi lại đi

Học hết lớp 12, không thi đại học, Hoàng Anh Tuấn, quê ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) sang Nhật Bản làm việc vào năm 2018, nghề đúc nhựa. Sau 3 năm, trở về, Tuấn kinh qua 5 công việc, và không phù hợp với bất cứ công việc nào. Sau khi tiêu dần cạn số tiền tích lũy được, Tuấn quyết định quay lại Nhật với 2 lí do: Thứ nhất, công ty cũ tại Nhật chào đón với mức lương cao hơn lần làm việc trước đó do lao động đã có kinh nghiệm; thứ hai, Tuấn không thể tìm được việc làm tại Việt Nam.

Nguyễn Thúy An quê huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sang Nhật Bản năm 2017, làm nông nghiệp. Công việc hàng ngày của An là trồng và thu hoạch cà chua trong nhà kính, lương khoảng 23 triệu đồng/tháng. Hết đơn hàng 3 năm, An về Việt Nam đúng thời điểm biến cố lớn trong đời xảy ra: cô và chồng li hôn. Số tiền tằn tiện tích cóp trong mấy năm đi Nhật, An mua 1 mảnh đất gần nhà mẹ đẻ. Ở Việt Nam 9 tháng sau đó, An không xin được việc làm phù hợp.

“Tôi xin làm thợ may tại thị trấn, rồi ra cả Hà Nội làm phục vụ tại nhà hàng Nhật Bản với vốn liếng tiếng Nhật có được. Tuy nhiên các công việc đều không ổn. Tôi còn gánh nặng nuôi con và muốn dựng một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con, vì thế, tôi quyết định quay lại Nhật sau khi liên hệ với công ty cũ và được chào đón” - An nói.

Theo Cục Quản lí lao động ngoài nước, trong tổng số hơn 28.400 người lao động xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có số lượng lớn nhất: hơn 14.600 lao động, Nhật Bản gần 12.500 lao động, Singapore 250 lao động, Trung Quốc 239 lao động.

Riêng trong tháng 2.2023, thị trường Nhật Bản tiếp nhận 3.470 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 2.690, Singapore: 141, Hàn Quốc: 81, Trung Quốc: 69, Hồng Kông (Trung Quốc): 38, Romani: 37, Hungari: 35 và một số thị trường khác.

Có độ vênh giữa nhà tuyển dụng - lao động

Thống kê của Cục Quản lí Lao động ngoài nước, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 lao động hợp pháp, đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Việc quan tâm, giải quyết việc làm cho nhóm lao động đi xuất khẩu trở về trở thành vấn đề cần phải được quan tâm đúng mức của ngành lao động, thương  binh và xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho hay, thông thường trung tâm sẽ tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm/năm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước. Kể từ năm 2013, trung tâm duy trì các phiên giao dịch này và tổ chức khá đều đặn.

Cũng theo ông Thành, mỗi phiên thường thu hút vài trăm lao động. “Ưu, nhược điểm của nhóm lao động này rất rõ: Ưu điểm là có kinh nghiệm, có tay nghề, có ngoại ngữ, am hiểu tác phong công nghiệp. Cũng vì thế, tại các phiên giao dịch chúng tôi thường mời 50-60 doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các thực tập sinh ở Chương trình IM Japan tham gia” - ông Thành nói.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, để tăng cường tính kết nối, các phiên giao dịch việc làm cho lao động đi nước ngoài về nước, Trung tâm không chỉ chọn địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng ra các địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... và liên kết với cả Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea).

Dù mức lương của nhóm lao động này khá tốt, có vị trí phiên dịch lên tới 20 triệu đồng/tháng nhưng không phải phiên kết nối nào cũng khả quan. “Có yếu tố tâm lý của người lao động. Có thể các bạn đang quen với môi trường ở bên kia và có thu nhập cao hơn nên muốn có nhiều lựa chọn. Cùng một vị trí việc làm, lương tại Việt Nam chỉ khoảng 1/3 so với tại Nhật Bản hay Hàn Quốc nên lao động chưa thể chấp nhận dù so với mặt bằng chung lương tại Việt Nam là khá cao” - ông Thành nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan