Các ưu đãi của giáo viên sẽ được thực hiện với hệ thống tiền lương riêng
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục, theo đó các ưu đãi của giáo viên sẽ được thực hiện với hệ thống tiền lương riêng.
Thông tin trên được chuyên gia chia sẻ tại buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội”, do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh tổ chức sáng 10/10.
Khai mạc buổi đối thoại, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Thực tế cho thấy, khi xã hội phát triển, các quan hệ lao động ngày càng đa dạng, chính sách của nhà nước cũng liên tục phải điều chỉnh thì nhu cầu tìm hiểu, cập nhật kiến thức, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội… của người lao động ngày càng thường xuyên hơn.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại |
"Huyện Đông Anh là nơi có Khu công nghiệp Thăng Long và các cụm công nghiệp, làng nghề, tập trung một lực lượng lao động khá đông. Vì thế, cuộc đối thoại, giao lưu hôm nay với chủ đề “Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội” có ý nghĩa thiết thực. Chúng tôi mong muốn làm cầu nối để công nhân, viên chức, lao động và cả các doanh nghiệp thêm cơ hội tìm hiểu những quy định, chính sách mới, được tư vấn trực tiếp và tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn lao động”, ông Đinh Tuấn Anh khẳng định.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của chương trình. Nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến lao động, bảo hiểm xã hội, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động… của người lao động ngày càng cao. Tổ chức Công đoàn cũng đã và đang chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung này để giúp đoàn viên, người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại |
Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã trực tiếp đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Chị Tô Hương Lơ, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh hỏi: “Công ty bạn tôi nợ bảo hiểm xã hội của người lao động hàng chục năm nay, người lao động đã kiến nghị nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết. Xin chuyên gia tư vấn người lao động ở công ty bạn tôi cần phải làm gì để đòi hỏi quyền lợi của mình?”.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Các công ty nợ bảo hiểm đang là vấn đề nan giải trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số công ty Nhà nước sau khi cổ phần hoá vẫn còn nợ số tiền bảo hiểm xã hội lớn, cơ quan bảo hiểm rất khó trong thủ tục văn bản pháp lý khởi kiện các đơn vị. Với trường hợp chị nói chưa được đóng hoặc chưa được tách đóng thì người lao động nên đồng loạt khởi kiện để làm thủ tục theo pháp luật, đảm bảo quyền lợi của mình.
Người lao động đặt câu hỏi tại chương trình |
Chị Phạm Thị Mai Hương, Công ty Cơ điện Châu An hỏi: “Người lao động cần đáp ứng điều kiện nào để hưởng lương hưu? Xin chuyên gia hướng dẫn các bước để hưởng bảo hiểm thất nghiệp”.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời, người lao động phải đáp ứng điều kiện theo Quy định 135 là đủ tuổi nghỉ hưu và đáp ứng đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Đủ tuổi nghỉ năm nay là với nữ là 56 tuổi và nam là 60 tuổi 9 tháng. Số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm trở lên.
Các bước để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định, sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động, chúng ta sẽ có sổ và mang sổ này lên nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm, trong thời hạn 3 tháng phải nộp. Lưu ý, chúng ta muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Một bạn đọc hỏi: Nếu thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2024, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị quyết 27. Đây là thay đổi khiến nhiều giáo viên cảm thấy tiếc nuối.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền, Phó phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Hà Nội chia sẻ: Theo tinh thần Nghị quyết 27 tiền lương sẽ thực hiện theo vị trí việc làm, khi đó không hưởng theo hệ số mà hưởng theo một khoản tiền bằng giá trị công sức bỏ ra do được tính toán, ngoài ra các loại phụ cấp được tính toán để đưa vào một mức tiền công đảm bảo tất cả các giáo viên bỏ ra công sức lao động được trả lương xứng đáng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục, theo đó các ưu đãi của giáo viên sẽ được thực hiện với hệ thống tiền lương riêng. Chế độ chính sách hiện nay đối với giáo viên tạm thời chưa thực hiện theo Nghị quyết 27 nên vẫn có chế độ phụ cấp.
Các chuyên gia giải đáp tại chương trình |
Phát biểu bế mạc chương trình, bà Trần Thu Hằng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh cho biết, buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến đã có khoảng 25 lượt câu hỏi, liên quan trực tiếp và phát sinh từ đời sống việc làm của người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động… cùng với sự tham gia của đông đảo người lao động, chủ doanh nghiệp và chủ tịch công đoàn cơ sở trên địa bàn.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh bày tỏ mong muốn, sau buổi giao lưu trực tuyến, người lao động, đơn vị sẽ tiếp tục gửi ý kiến về LĐLĐ huyện để được kịp thời giải đáp. Thời gian tới LĐLĐ huyện và báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục có các chương trình phối hợp để tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật, việc làm cho người lao động.