A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thu hút ngày càng nhiều người tham gia

Nhờ những lợi ích thiết thực đem lại cho người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia, khẳng định vai trò giá đỡ an sinh cho người lao động.

Góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Những năm gần đây, cùng với việc được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn là nhóm đối tượng ưu tiên được trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ về nhà ở cùng nhiều hoạt động trợ giúp khác.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn ngành triển khai hỗ trợ, giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 47.200 tỷ đồng, bằng 54,3% các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ.

Nguồn hỗ trợ này góp phần giúp hơn 13 triệu người lao động có thêm khoản tiền để trang trải cho cuộc sống trong giai đoạn khó khăn, yên tâm làm việc...

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thu hút ngày càng nhiều người tham gia

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia, khẳng định vai trò giá đỡ an sinh cho người lao động

Cùng với việc triển khai hỗ trợ, giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng được ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Chẳng hạn, tại Hà Nội, các bên đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 417.000 lượt lao động, với kinh phí hơn 218,6 tỷ đồng.

“Các hoạt động hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở Thủ đô, tạo đà cho thị trường lao động phát triển. Năm vừa qua, tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị ở Hà Nội còn 3,18%, giảm 0,79% so với năm 2021”, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho hay.

Đối với người lao động bị mất việc làm, tùy theo nhu cầu, nguyện vọng, mà họ nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi công việc. Riêng năm 2022, các cơ quan chức năng của 63 tỉnh, thành phố đã giải quyết cho hơn 977.600 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Chia sẻ về lợi ích khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chị Nguyễn Hà Quyên, trú tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho hay: “Khoản tiền trợ cấp thất nghiệp gần 4 triệu đồng/tháng đã giúp cuộc sống của tôi và gia đình không bị ảnh hưởng quá nhiều trong thời gian mất việc làm. Hiện tôi đang ứng tuyển vào làm việc tại một doanh nghiệp gần nơi cư trú, với mong muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.

Tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành “điểm tựa” cho hàng triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định cuộc sống; Giúp người sử dụng lao động giảm bớt áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động. Qua đó, lợi ích của người lao động, doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT càng được thể hiện rõ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như: Việc hình thành, hoàn thiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đòi hỏi thời gian dài, trong khi chính sách này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thu hút ngày càng nhiều người tham gia

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành “điểm tựa” cho hàng triệu người lao động

Khu vực kinh tế phi chính thức không có quan hệ lao động còn lớn; Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nhằm sớm đưa người lao động thoát khỏi tình trạng mất việc làm còn có một số bất cập; Chưa có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xác định đúng nhu cầu doanh nghiệp; Chất lượng đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

Ngoài ra, chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt. Nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến nhóm người có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã hưởng lương… Chế độ hỗ trợ cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cũng được đề xuất bổ sung theo hướng tăng tính hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, những quy định mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Việc làm hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp, hạn chế những “cú sốc” có thể xảy ra đối với người lao động, doanh nghiệp và thị trường…

Chủ động khắc phục những hạn chế, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” theo Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 10/2/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách.

Với sự nỗ lực từ nhiều ngành, nhiều phía, hy vọng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng hấp dẫn và mở rộng số người tham gia. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng từ 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2022 (tương ứng với 14,33 triệu người tham gia), lên 31,7% vào cuối năm nay (tương ứng với gần 15 triệu người tham gia).


Tác giả: Huyền Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật