A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề nghị tăng phụ cấp cho cán bộ y tế

Bộ Y tế đang xây dựng đề xuất tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng tiền trực, tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay. Văn bản này dự kiến được trình Chính phủ vào tháng 11.

Đề nghị tăng phụ cấp cho cán bộ y tế

Mức phụ cấp cho các đối tượng tham gia ca phẫu thuật ở loại đặc biệt người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính được hưởng 280.000 đồng. Ảnh: Bống Vũ

Lương cơ sở tăng 8 lần, chế độ phụ cấp chưa điều chỉnh

Chế độ phụ cấp của nhân viên y tế hiện hành thực hiện theo quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Theo quyết định này, mức phụ cấp cho các đối tượng tham gia ca phẫu thuật ở loại đặc biệt người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính được hưởng 280.000 đồng; Người phụ mổ, người phụ gây mê hồi sức hoặc phụ châm tê được hưởng 200.000 đồng và người giúp việc cho ca mổ là 120.000 đồng. Tương tự ở các vị trí này nhưng bệnh viện loại 1,2,3 sẽ giảm dần. Ở loại 3 mức nhận tương ứng là: 50.000 đồng, 30.000 đồng và 15.000 đồng.

Tương tự, chế độ phụ cấp với người lao động tham gia thường trực cũng không khá hơn: Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt là 115.000 đồng/người/phiên trực; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II...

Giữ chân nhân viên y tế

Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tại Trung tâm Y tế TP Phan Thiết có 6 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó, có 2 bác sĩ tự ý nghỉ việc khi chưa được đơn vị giải quyết. Lý do các bác sĩ này ghi trong đơn đa số do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe không đảm bảo, điều kiện kinh tế, đồng lương thấp không đủ trang trải cho cuộc sống và mong muốn tìm một môi trường làm việc mới để phát triển nghề nghiệp, bản thân.

Áp lực từ quá tải công việc, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều y, bác sĩ xin nghỉ việc. Tình trạng bác sĩ nghỉ việc rơi vào thời điểm năm 2022 đáng báo động.

Theo Bộ Y tế, từ ngày 1.1.2021 - 30.6.2022 trên cả nước cho thấy, có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Dù đã có một số giải pháp song những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách còn tồn tại.

Từ ngày 1.7.2024, nhân viên y tế được tăng lương cơ sở. Đây là niềm vui của đội ngũ nhân viên y tế, nhưng với các bệnh viện tự chủ thì có muôn vàn nỗi lo.

Giám đốc một bệnh viện đa khoa hạng 1 tự chủ cho biết, một tháng qua, bệnh viện cố gắng thu xếp nguồn thu - chi để nhân viên y tế của mình được hưởng lương theo quy định. Vì phải trang trải cho quỹ lương thì thu nhập tăng thêm cho nhân viên sẽ xa vời hơn và như vậy sẽ tiếp tục nhờ ngân sách hỗ trợ.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, từ khi dừng cơ chế tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60 của Chính phủ. Bệnh viện đã thực hiện tự chủ theo nhóm 2, chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.

Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện tăng lương cơ sở từ 1.7.2024 theo đúng tinh thần của Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Với mức lương cơ sở tăng theo Nghị định này, mỗi tháng Bệnh viện Bạch Mai phải chi khoảng 12 tỉ đồng tăng thêm chỉ riêng lương. Tuy nhiên, bệnh viện cũng mong Chính phủ và bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện giá dịch vụ y tế phù hợp với tăng lương cơ bản để bệnh viện đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế.

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cũng cho hay: Bệnh viện đã thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024. Sau 1 tháng thực hiện lương cơ sở mới, nhân viên của bệnh viện rất phấn khởi. Nguồn chi trả của bệnh viện ổn định, đảm bảo tốt kể cả lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm cho cán bộ công nhân viên của bệnh viện. Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 2.250 nhân viên. Mỗi tháng chi thêm sau tăng lương cơ sở khoảng gần 20 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, Bộ Y tế đang xây dựng sửa đổi, bổ sung quyết định số 73/2011. Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm: Tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay... Dự kiến, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ nội dung này vào tháng 11.2024.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan