A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lương thấp, lao động trẻ ngại lập gia đình, sinh con

Lương của lao động hiện chỉ đảm bảo đủ sống cho bản thân nên nhiều người “ngại” lập gia đình, sinh con vì sợ không đủ kinh phí lo cho gia đình…

Lương thấp, lao động trẻ ngại lập gia đình, sinh con

Nhiều lao động trẻ ngại lập gia đình, sinh con vì lương thấp. Ảnh: Hải Nguyễn

Chị Trương Hà Chi, 30 tuổi, quê huyện Thanh Liêm (Hà Nam) hiện làm công nhân của một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Lên Hà Nội làm công nhân ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Chi đã có 12 năm xa nhà.

Theo chị Chi, công ty hiện tại là nơi làm việc thứ 2 kể từ khi chị lên Hà Nội.

“Khi mới lên Hà Nội, tôi được người họ hàng giới thiệu vào làm cùng công ty giày da. Làm được 1 năm, tôi xin nghỉ vì không quen được mùi nhựa và keo dán, hôm nào đi làm về cũng mệt mỏi, uể oải. Công ty hiện tại tôi đã gắn bó hơn 10 năm, thuộc số ít nhóm nhân viên làm việc hơn chục năm ở đây”, chị Chi nói.

Theo chị Chi, tổng thu nhập của chị hiện được hơn 9 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca nhiều có thể được 11 triệu đồng/tháng. Chị thuê nhà ở chung với một nữ đồng nghiệp. Tính cả tiền điện nước, mỗi tháng nữ công nhân tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Chị được công ty lo ăn bữa trưa, bữa tối chị và bạn cùng thuê nhà tự nấu ăn, chi phí mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng/người.

“Nhiều người tính nhẩm thu nhập chục triệu, thuê nhà với ăn uống chưa hết 3 triệu đồng thì sẽ để ra được nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu được cái khó của chúng tôi”, chị Chi thở dài.

Chị Chi cho hay, mỗi tháng chị gửi về quê cho mẹ 2 triệu đồng mua thuốc vì mẹ bị bệnh mãn tính lâu năm. Chị gửi cố định 2 triệu đồng/tháng cho em gái đang theo học tại Trường Đại học Thương mại. Số tiền còn lại chị chắt chiu phòng khi có việc đột xuất, ốm đau… “Tính ra mỗi năm chắt chiu lắm cũng chỉ để dành được khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này muốn mua một chiếc xe máy cũng khó chứ nói gì dự tính lớn lao. Tôi chỉ mong tích góp được kha khá, về quê mở hàng tạp hóa hoặc may vá để chăm sóc mẹ. Bố tôi mất đã lâu, mẹ ở một mình lại ốm đau…”, chị Chi chia sẻ.

Vì thu nhập eo hẹp, gánh nặng gia đình nên dù đã 30 tuổi, chị Chi chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nữ công nhân cho hay cũng có đồng nghiệp nam tìm hiểu nhưng khi biết gia cảnh của chị, nhiều người e ngại. Bản thân chị cũng không tự tin khi bắt đầu một mối quan hệ với mức lương chỉ vừa khít lo cho cuộc sống bản thân.

Cũng ái ngại chuyện lập gia đình như chị Chi, anh Nguyễn Công Minh, 29 tuổi, công nhân làm tại một công ty sản xuất giầy dép ở khu công nghiệp Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) vẫn độc thân.

Anh Minh cho hay, mức lương hiện tại của anh được khoảng 9 triệu đồng/tháng. Riêng tiền thuê nhà, điện nước và tiền ăn đã chiếm quá nửa tiền lương. Chưa kể, nam thanh niên độc thân như anh còn thêm một khoản chi phí đi ăn uống, giải trí cuối tuần cùng bạn bè…

“Hầu như tôi nhận lương tháng nào hết tháng ấy, tháng nào phát sinh ốm đau phải khám bệnh, mua thuốc hay có nhiều đám cưới, đám hiếu… là phải vay mượn bạn bè, có lương lại trả. Nghĩ cảnh ráo mồ hôi là hết tiền, tôi rất ngại chuyện yêu đương, lập gia đình. Thậm chí, nhìn chi phí bạn bè chi ra mỗi tháng để nuôi con nhỏ, tôi càng ngại hơn vì hiểu cảnh công nhân cũng chỉ mong kết hôn với nữ công nhân. Nếu hai vợ chồng thu nhập như nhau, nuôi thêm con nhỏ sẽ là gánh nặng. Chưa kể, mình độc thân thuê nhà trọ tạm bợ không sao, nếu có vợ rồi có con, phải thuê nhà điều kiện tốt hơn thì có khi lương 2 vợ chồng không đủ sống”, anh Minh nói.

Kết quả điều tra, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tháng 3 - 4.2025) với gần 3.000 lao động tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, có 12,5% người lao động hàng tháng phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải vay mượn tiền. Chỉ 55,5% người lao động trong số được khảo sát có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp).

72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ; 72,6% tổng số người chưa lập gia đình biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật