A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lương thưởng gây bất ngờ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam khi sáp nhập từ 1.7

Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - Hoàng Văn Long chia sẻ, nhiều năm trở lại đây nhà hát đã nỗ lực cải thiện thu nhập, lương thưởng cho nghệ sĩ.

Lương thưởng gây bất ngờ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam khi sáp nhập từ 1.7

Phục trang của các nghệ sĩ tuồng. Ảnh: Mi Lan

Từ ngày 1.7, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ chính thức hợp nhất thành một đơn vị mới mang tên Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Hoàng Văn Long - hiện giữ Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Cá nhân tôi rất trông đợi vào sự hợp nhất này, đây không chỉ là bước ngoặt lớn về việc cơ cấu lại cách vận hành, tập trung tinh lực cho văn hóa truyền thống, đây sẽ là cơ hội lớn để cả 3 lĩnh vực chúng tôi được sắp xếp, tinh gọn, đồng thời hợp lực để phát triển. Chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, trong đó luôn nhấn mạnh việc giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cần lấy văn hóa dân tộc làm trọng tâm để nâng tầm, vươn mình và phát triển. Sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... chính là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, cần giữ gìn và có chiến lược phát triển”.

Theo ông Hoàng Văn Long chia sẻ, lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam chính là những người đã tham gia viết đề án hợp nhất 3 nhà hát, xây dựng phát triển thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, được lãnh đạo 2 Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam thông qua và trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

“Chúng tôi đã có những buổi làm việc giữa lãnh đạo các nhà hát với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có những phương án tốt nhất cho việc sáp nhập các đơn vị, trong đó có 3 Nhà hát Tuồng - Chèo - Cải lương. Theo đó, trong 3 năm tới, các nhà hát chúng tôi chưa có nhiều sự thay đổi, 3 đơn vị sẽ vẫn nhận vở diễn đặt hàng từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vẫn tìm nguồn thu, doanh thu - đồng thời song song, xây dựng những kế hoạch chung, hoạt động chung cho 3 nhà hát. Chúng tôi cũng cần có thời gian để kiện toàn, tinh gọn bộ máy khi hợp nhất, và tôi cho rằng, 3 năm là quãng thời gian hợp lý” - ông Hoàng Văn Long nói.

Ông Hoàng Văn Long - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Hoàng Văn Long - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện, Nhà hát Tuồng Việt Nam có khoảng 80 nhân sự, trong đó 50 nhân sự là diễn viên, nhạc công.

Từng có thời gian dài, sân khấu gặp nhiều khó khăn, ít sáng đèn, khó kéo khán giả tới rạp, trong đó có 3 loại hình sân khấu truyền thống là tuồng, chèo, cải lương.

Ông Hoàng Văn Long thừa nhận, chính ông thời còn là diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phải làm đủ nghề để nuôi sống gia đình, từ chạy loa đài đến đạp máy khâu gia công quần áo xuất khẩu...

“Thời đó, nhà hát quá khó khăn, thu nhập thấp. Tôi và cả vợ tôi (NSND Minh Gái) đều làm ở nhà hát, nuôi 2 con ăn học, tôi phải làm thêm đủ nghề mới vượt qua được giai đoạn đó” - ông Long kể.

Nhưng, nhiều năm trở lại đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có những khởi sắc về suất diễn, bán được vé nhiều hơn, nhận thêm các show diễn để có thêm doanh thu.

Ông Hoàng Văn Long cho biết, ông và các nghệ sĩ trong Nhà hát Tuồng Việt Nam nhận thêm các dự án như dựng vở, dựng chương trình biểu diễn cho các lễ hội. Đơn cử như, nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam suốt 19 năm đã được mời dựng chương trình và diễn tại Lễ hội Gò Đống Đa vào mùng 5 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Chương trình tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và công lao của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn.

Những dự án diễn tại các lễ hội mang đến nguồn thu không nhỏ, giúp nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam ngày càng có được mức thu nhập tốt hơn.

Trụ sở hiện tại của Nhà hát Tuồng Việt Nam ở khu Mai Dịch, Cầu Giấy. Ảnh: Mi Lan
Trụ sở hiện tại của Nhà hát Tuồng Việt Nam ở khu Mai Dịch, Cầu Giấy. Ảnh: Mi Lan
Nhà hát Tuồng Việt Nam có rạp Hồng Hà (ở Đường Thành) để diễn hàng tuần. Ảnh: Mi Lan
Nhà hát Tuồng Việt Nam có rạp Hồng Hà (ở Đường Thành) để diễn hàng tuần. Việc bán vé tốt hơn và có các hợp đồng diễn ngoài, lương thưởng nghệ sĩ tuồng đã có cải thiện. Ảnh: Mi Lan

Mỗi năm, nhà hát nhận hơn 2 tỉ đồng từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để dựng vở và diễn miễn phí tại các trường học.

Với sự đầu tư này, cộng thêm những dự án ký kết với BTC nhiều lễ hội ở nhiều tỉnh thành, nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có những khoản thưởng, mức cát-xê ở mỗi suất diễn cũng nhiều hơn.

“Trước đây, tiền bồi dưỡng mỗi đêm diễn của nghệ sĩ nhà hát chúng tôi thường chỉ 80 nghìn đồng cho vai phụ, 200 nghìn đồng cho vai chính... Hiện nay, mỗi khi có được các dự án đi diễn tại các lễ hội, hay đi diễn tại các tỉnh, cộng thêm với việc bán vé tốt hơn, tiền bồi dưỡng tăng lên 300 nghìn - 500 nghìn đồng cho vai chính. Lương các nghệ sĩ hưởng bậc lương theo quy định của nhà nước. Nhưng, sẽ có thêm các khoản thu từ tiền tập vở, tiền diễn các đêm, tiền đi làm các dự án ký kết bên ngoài...

Tiền có được từ việc làm thêm ví như ở các lễ hội, tôi thường cộng vào, và chia luôn tiền thưởng vào cát-xê bồi dưỡng sau mỗi đêm diễn. Mới đây, nghệ sĩ nhà hát cũng đã có thưởng 6 tháng đầu năm... Tôi có thể khẳng định, đời sống nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khá hơn nhiều so với trước đây” - ông Long nói.

Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện bán vé trên nhiều nền tảng, kênh mạng xã hội. Được biết, nhà hát đã có người phụ trách phát triển truyền thông trên các nền tảng khác nhau, từ Facebook đến YouTube...

Nhờ vậy, tuồng đã tiếp cận được với khán giả trẻ. Trước dịch COVID-19, sân khấu tuồng diễn ra ở rạp Hồng Hà thường chủ yếu phục vụ... khách Tây, khách du lịch.

Nhưng, sau dịch COVID-19, khi phát triển các kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, tiếp cận khán giả bằng nhiều cách khác nhau, ông Long khẳng định, tuồng đã bán được vé cho khán giả trẻ.

Hiện, mỗi tuần, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn có 1-2 đêm diễn (thường kín ghế) ở rạp Hồng Hà. Nhà hát đang cho dựng vở mới lấy bối cảnh lịch sử năm 1947 tại Hà Nội.

Trong không khí của sự khởi sắc với sân khấu truyền thống, ông Hoàng Văn Long tin tưởng, việc hợp nhất 3 nhà hát sẽ là bước ngoặt đầy triển vọng để 3 nhà hát cùng hợp tác, cùng hỗ trợ, đoàn kết để phát triển.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về việc hợp nhất 3 nhà hát, TS.NSND Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam bày tỏ sự lạc quan, mong chờ vì theo ông, giờ đây 3 nhà hát sẽ trở nên tinh - gọn - mạnh, có thêm nhiều cơ hội, mở ra tiềm năng để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật