Người lao động đau đầu tìm việc cuối năm
Ghi nhận dịp gần cuối năm, nhiều người lao động vẫn chưa có việc làm, họ mong muốn tìm được công việc ổn định cho những tháng cuối năm.
Chị Phạm Thu Minh (36 tuổi) ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, chị mới đi làm trở lại sau kỳ nghỉ thai sản. Tuy nhiên, chị không chọn công ty cũ mà chấp nhận tìm nơi làm việc mới phù hợp dù biết khó ứng tuyển thời điểm này.
"Dù đã gửi hồ sơ xin việc đến một số nơi nhưng tôi vẫn chưa tìm được công việc như ý muốn" - chị Minh nói.
Theo chị Minh, dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường hạn chế tuyển dụng nhân viên mới để tiết kiệm chi phí. Nơi nào thực sự cần người thì lại yêu cầu rất cao để vào làm việc luôn, vượt quá khả năng của chị.
Nữ nhân viên cho rằng, thưởng Tết với chị ít hay nhiều không quan trọng bằng việc có công việc lâu dài. Chị Minh đang có con nhỏ nên càng khó ghi điểm với người tuyển dụng vì doanh nghiệp lo ngại sẽ ảnh hưởng đến công việc.
Anh Trần Ngọc Thắng (30 tuổi) - ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự sau khi quyết định xin nghỉ việc vì mâu thuẫn trong nội bộ.
“Thời điểm này trên các website tìm việc không còn nhiều lựa chọn hấp dẫn như đầu năm. Trên các hội nhóm mạng xã hội, công việc lừa đảo nhiều hơn tin tuyển dụng uy tín” - anh Thắng cho hay.
Thậm chí, khi đến trung tâm giới thiệu việc làm, anh Thắng vẫn chưa tìm được công việc ưng ý với mức lương mong muốn. Anh đành chấp nhận chạy xe ôm và nhận giao hàng để trang trải cuộc sống trong thời gian chờ tìm việc.
Không chỉ dân văn phòng, lao động phổ thông và cả người làm việc tự do cũng đau đầu tìm việc dịp cuối năm.
Trở về quê sau gần 1 năm lắp đặt điện lạnh trên Hà Nội, anh Trần Văn Thắng cho biết, muốn tìm một công việc thật ổn định tại quê hương để làm lâu dài.
"Mỗi ngày, tôi đều truy cập vào fanpage những công ty gần nhà và lân cận để xem các vị trí cần tuyển. Nếu thấy công việc nào bản thân có thể làm được tôi đều nhắn tin, gọi điện hỏi chi tiết dù chưa có kinh nghiệm. Dẫu vậy, đến thời điểm hiện tại tôi chưa nhận được hồi âm” - anh Thắng cho hay.
Theo anh Thắng, ở quê chỉ có công nhân sản xuất trực tiếp là tuyển dụng thường xuyên không phân biệt thời điểm nào trong năm. Còn các vị trí khác như cơ điện, vật tư đã có kinh nghiệm thì khi nào thiếu công ty mới tuyển.
Do đó, anh Thắng dự định sẽ xin vào công ty làm công nhân trước để có tiền lo cho gia đình, chuẩn bị khi Tết cận kề. Khi nào công ty tuyển dụng các vị trí bản thân yêu thích sẽ xin chuyển sang để làm việc hiệu quả hơn.
Chị Lê Thị Vinh (33 tuổi) - ngụ quận Hà Đông chia sẻ, chị và chồng chuyên hỗ trợ marketing cho các cá nhân, doanh nghiệp. Hai tháng cuối năm là thời điểm khó khăn nhất bởi các công ty thường cắt giảm tối đa chi phí thuê ngoài.
“Từ đầu tháng 11 tới giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận thêm được công việc nào. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền nợ trả ngân hàng mua nhà, chi phí học tập cho các con vẫn phải trả nên tôi phải thay đổi lại, đi tìm việc làm ổn định” - chị Vinh cho hay.
Mục tiêu trước mắt của chị Vinh vẫn là cố gắng tìm thêm nhiều khách hàng muốn làm marketing. Bên cạnh phương thức tìm khách hàng online, chị Vinh cùng chồng phải xuống đường tiếp cận từng doanh nghiệp và cửa hàng để thuyết phục họ.
Song song với việc tìm khách hàng mới, chị Vinh sẽ cũng thử ứng tuyển vào một công ty để làm việc. Dù biết là khó trong thời điểm này nhưng chị Vinh tin rằng vẫn có nơi cần tuyển, đồng thời chị sẵn sàng hạ thấp tiêu chuẩn về lương cũng như môi trường để tìm được việc.