Sân chơi âm nhạc dành cho công nhân ngành Dệt may
Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, từ ngày 1.2, Chương trình Quà tặng âm nhạc đã được Công đoàn Dệt may Việt Nam khởi động. Các ca khúc tham gia Chương trình phải nằm trong Cuộc thi sáng tác các ca khúc về ngành Dệt may Việt Nam năm 2023.
Có một số yêu cầu khác như bản thu âm phải do chính thí sinh hát, không được nhờ người khác hát hộ; không được sử dụng phần mềm để làm thay đổi âm thanh, giọng hát quá khác biệt với giọng thật. Video minh họa đạt chất lượng 720p trở lên, hình ảnh minh họa phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, tuyệt đối không sử dụng các hình ảnh kích động, chống phá, xuyên tạc; không được vi phạm bản quyền; không được sao chép nguyên trạng các sản phẩm tại các hội diễn, cuộc thi trước đó.
Chương trình không giới hạn số lượng tác phẩm tham gia chương trình của các cá nhân hay tập thể nhưng độ dài mỗi tác phẩm tham dự không dài quá 7 phút. Ban tổ chức sẽ trao nhiều giải thưởng tháng hoặc quý, giải thưởng năm.
Chương trình được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong công nhân viên chức lao động trong ngành. Đặc biệt, Chương trình sẽ góp phần lan tỏa những ca khúc mới sáng tác về ngành cũng như kịp thời phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố có năng khiếu, tài năng văn nghệ. Việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố có năng khiếu, tài năng văn nghệ rất quan trọng hiện nay, vì đây là một trong những cơ sở quan trọng xây dựng và làm phong phú đời sống tinh thần của đoàn viên, người lao động, nhất là ở ngành có đông đoàn viên, người lao động như ngành Dệt may Việt Nam.
Một điều đặc biệt là Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tạo mã QR để liên tục cập nhật nhạc có lời và nhạc beat karaoke các ca khúc tham gia. Điều này cho thấy, Công đoàn Dệt may Việt Nam không chỉ đổi mới trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục - những hoạt động được triển khai từ nhu cầu của đoàn viên, người lao động mà còn cụ thể hóa quá trình chuyển đổi số của Công đoàn.
Hiện Công đoàn Dệt may Việt Nam quản lý trực tiếp 116 công đoàn cơ sở có trụ sở đóng trú tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với tổng số 104.808 đoàn viên công đoàn/110.322 lao động, trong đó đoàn viên nữ chiếm tỉ lệ trên 70%.
Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt may Việt Nam tham gia với các Liên đoàn Lao động địa phương để phối hợp quản lý các Công đoàn ngành Dệt may Bình Dương, Hà Nội, TPHCM với tổng số 120 Công đoàn cơ sở, 34.903 đoàn viên /38.635 lao động. Chính vì vậy, luôn cần sự đổi mới trong hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động.