A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại sao nhiều người giúp việc "quay xe" sau Tết Nguyên đán?

Nhiều người giúp việc gia đình nhấp nhổm nhảy việc sau Tết. Trước đó, một số gia đình sẵn sàng thưởng thêm hoặc mua vé tàu xe cho họ về quê ăn Tết nhưng không thể giữ chân người giúp việc.

Trong các hội, nhóm trên mạng xã hội facebook về tìm người giúp việc, trông trẻ tại Hà Nội có đến hàng trăm nghìn người tham gia.

Sau Tết Nguyên đán, liên tục những bài viết đăng tìm người giúp việc. Không ít gia đình chia sẻ câu chuyện người giúp việc bất ngờ gọi điện không làm nữa. Đặc biệt, những nhà có con nhỏ càng bối rối khi không biết sắp xếp làm sao vừa đi làm, vừa trông trẻ.

Chị Thuỳ Dương (ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng gặp tình cảnh tương tự. Chị đã phải xin làm việc tại nhà từ trước Tết để có thời gian trông nom con trai hơn 1 tuổi. 

Từ khi con trai được 6 tháng tuổi, chị Thuỳ Dương đã tính thuê người giúp việc trông nom bé để bố mẹ yên tâm đi làm. Sau thời gian tìm kiếm qua công ty môi giới, gia đình chị tìm người giúp việc quê ở Hải Dương. Người này thật thà nhưng không thật sự nhanh nhẹn và ở cùng gia đình.

Sau một thời gian làm việc, bà giúp việc đưa ra nhiều yêu cầu như phải có tháng lương thứ 13 và luôn so sánh tiền lương, công việc với những gia đình lân cận. Dịp Tết vừa qua, chị Dương cũng thưởng cho bà 3 triệu đồng và quà bánh.

Chị Dương cho hay: “Trước Tết, mới ngày 21 Âm lịch, bà đã đề nghị được về quê chuẩn bị Tết. Trong khi chúng tôi phải làm việc đến ngày 27 Tết. Gia đình ít người, dù cũng nài nỉ bà ở lại nhưng lại nhất quyết đi về. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải xin làm việc tại nhà để có thể trông con”.

Sau Tết Nguyên đán, chị Dương cũng gọi điện hỏi ngày lên làm việc của bà giúp việc, nhưng bà này chỉ một câu kêu bận không làm được và nói tìm người khác, khiến gia đình chị Thuỳ Dương vô cùng chật vật. Một ngày với chị Dương dài đằng đẵng, vừa tranh thủ trông con, sau đó tiếp tục làm việc lúc nào hay lúc đó. 

Gia đình chị Dương vẫn đang mải miết đăng thông tin tìm người giúp việc, trông trẻ, với mong muốn tìm được những người yêu trẻ, làm việc theo giờ và gắn bó lâu dài.

Cũng trao đổi về vấn đề này,  ông Phan Hồng Minh - CEO của ứng dụng JupViec cho hay, đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra trên thị trường lao động phổ thông. Lý do đến thực trạng trên xuất phát từ việc tính cam kết, chuyên nghiệp thấp, thiếu sự ràng buộc giữa các bên, đặc biệt là thiếu các chế tài cần thiết giữa các bên.

Ông Minh cho biết, khi nhìn nhận từ phía người lao động, đặc biệt là người giúp việc ở lại nhà, chúng ta thấy môi trường làm việc và công việc của họ khá khắc nghiệt.

Cùng với đó, việc chưa qua trường lớp đào tạo về nghề giúp việc, chưa hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và đặc biệt là vẫn giữ thói quen mang tính "tùy tiện" thì việc họ không lên hoặc có lên nhưng chuyển qua nhà khác làm là rất dễ xảy ra.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Minh cho rằng, để giữ chân người giúp việc thì mỗi gia đình nên có sự thoả thuận rõ ràng về thu nhập, nghĩa vụ và quyền lợi. Khi cả hai bên đều có sự thống nhất cao về vấn đề trên thì người giúp việc sẽ gắn bó lâu dài, không xảy ra mâu thuẫn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan