A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng lương tối thiểu vùng là động lực để tăng năng suất lao động

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp và chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6%, trình Chính phủ để xem xét, quyết định, áp dụng từ ngày 1.7.2024. Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng lương tối thiểu này khi áp dụng sẽ là động lực để tăng năng suất lao động, giảm bớt khó khăn cho NLĐ.

Tăng lương tối thiểu vùng là động lực để tăng năng suất lao động

Tăng lương tối thiểu giúp cải thiện đời sống người lao động, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động. Ảnh: Bảo Hân

Mong điều chỉnh từ ngày 1.1 hàng năm

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội - cho biết, sau khi có thông tin Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, qua nắm bắt từ cơ sở, các ý kiến của cán bộ công đoàn đều khẳng định mức tăng như trên là chấp nhận được.

Theo ông Thắng, tăng lương tối thiểu vùng rất quan trọng để CĐCS có thể đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động tăng lương cơ bản cho NLĐ. Qua nắm bắt, ông Thắng cho biết thêm, nhiều NLĐ mong muốn việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1 hàng năm để người sử dụng lao động xây dựng nguồn lực chăm lo cho NLĐ từ sớm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Xuất khẩu Hà Bắc (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - cho biết, hiện nay, công ty đã trả lương cho công nhân ở mức cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn huyện Việt Yên hiện là 3.640.000 đồng/tháng, trong khi đó công ty trả lương cơ bản cho công nhân ở mức thấp nhất là 4.114.000 đồng/tháng.

Theo chủ tịch CĐCS, dù đã trả lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng khi lương tối thiểu tăng, CĐCS thường sẽ chủ động đề xuất chủ sử dụng lao động tăng lương cho công nhân.
“Khi công đoàn đề xuất thì chủ sử dụng lao động sẽ tăng lương cho công nhân, mức tăng cụ thể bao nhiêu thì cần căn cứ vào tình hình thực tế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Hùng cho biết.

Sự nỗ lực, chia sẻ giữa các bên

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn nhìn nhận, với mức tăng 6% này đã được các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia trao đổi hết sức thấu đáo về nhiều vấn đề, đồng thời có xem xét tới ngắn hạn, trung hạn và khoảng 2 năm sau.

Ông Thuấn cho biết, dù trước đó, các bên đưa ra các đề xuất về mức tăng khác nhau, song cuối cùng đã đạt được sự thống nhất cao giữa đại diện doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

“Mức tăng 6% là phù hợp với tình hình chung về cả thuận lợi cũng như khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Riêng đối với ngành da giày, mức tăng lương tối thiểu 6% là chấp nhận được” - ông Nguyễn Đức Thuấn thông tin.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng khẳng định, mức tăng 6% đã được cân nhắc trên cơ sở có xem xét đến những khó khăn của nền kinh tế năm 2023, dự báo tình hình năm 2024. Trong thời gian tới, dự báo tình hình trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, biến đổi khí hậu, những rào cản về thương mại vẫn ở phía trước...

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thời gian vừa qua, đời sống của người lao động cũng còn hết sức khó khăn do thiếu đơn hàng, các chỉ số biến động, giá cả tăng cao. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân, người lao động, GDP vẫn đạt mức trên 5%.

Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn có những điểm sáng. Mức tăng 6% đã thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định, phiên họp thương lượng tiền lương vừa diễn ra là “thuận lợi nhất từ trước đến nay”, bởi các bên đều đồng thuận cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật