Vượt khó lo Tết cho công nhân
Trong quý IV/2024 và đầu năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, bảo đảm việc trả lương, thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cho người lao động.
Nhiều việc làm mới vào dịp cuối năm
Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong 9 tháng năm 2024, có gần 1.100 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 58,59% kế hoạch đề ra, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong thời gian này, địa bàn tỉnh cũng có 153 doanh nghiệp giải thể và 706 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Đến giữa tháng 11.2024, trên địa bàn tỉnh còn hơn 13.000 doanh nghiệp còn đăng ký hoạt động.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bảo đảm cho người lao động không bị cắt giảm, lương thưởng, chế độ phúc lợi được đảm bảo.
Theo tìm hiểu, bước vào quý IV/2024, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đơn sản xuất, hoạt động kinh doanh cải thiện. Nhiều đơn vị đã bắt đầu tuyển dụng thêm công nhân, đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng để cung cấp cho đối tác.
Đơn cử như Công ty TNHH KVD Vina đang là một trong những đơn vị có số lượng công nhân lao động lớn nhất tại Cụm công nghiệp Tân An. Từ đây đến cuối năm 2024, đơn vị dự kiến tuyển thêm 500 công nhân lao động với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Đến đầu năm 2025, công ty này dự kiến tuyển thêm 500 công nhân, nâng tổng số người lao động lên đến khoảng 3.000 người.
Chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Công ty Cổ phần Tín Nghĩa Logistics, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 160 công nhân lao động trong đó, có 7 lao động là người dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội doanh nhân TP Buôn Ma Thuột (kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tín Nghĩa Logistics) chia sẻ: “Thực tế, đối với người lao động, điều họ mong chờ nhất đó là khoản thưởng Tết vào dịp cuối năm. Người lao động coi đó là ghi nhận cho sự đóng góp của họ với doanh nghiệp trong cả 1 năm làm việc, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo đảm lương, thưởng cho người lao động, giúp họ đón một cái Tết đủ đầy hơn”.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk ngay từ đầu quý IV/2024, đơn vị đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho hàng nghìn đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động mang tính nhân văn, hướng về lợi ích của đoàn viên, người lao động với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Đối tượng chăm lo dịp Tết là tất cả đoàn viên, người lao động ở địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo...”.
Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn ngành... tổ chức đa dạng, linh hoạt các hình thức chăm lo, tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đơn vị cũng lưu tâm đến đoàn viên, người lao động sinh sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn.
Thực hiện Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến, tỉnh Đắk Lắk có 2.060 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ mua hàng miễn phí. Đoàn viên, người lao động được mua hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng trên trang thông tin điện tử chính thức của chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Mức hỗ trợ 500.000 đồng/người (bằng tiền, thông qua phiếu mua hàng voucher của chương trình). Đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất; đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp.