Cần đưa vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành ra xét xử công khai để răn đe, phòng ngừa chung
Trước quyết định của Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh về việc xét xử kín vụ án bé gái V.A (8 tuổi) bị bạo hành tử vong, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần đưa vụ án ra xét xử công khai nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm nêu quan điểm về việc xét xử kín vụ bé gái bị bạo hành tử vong |
Mới đây Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã quyết định đưa các bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang, Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong ra xét xử sơ thẩm. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 21/7 và được xét xử kín, tuyên án công khai.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Giết người" và tội "Hành hạ người khác” theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Truy tố bị can Nguyễn Kim Trung Thái (sinh năm 1985, cha của bé N.T.V.A) về tội "Hành hạ người khác" và tội "Che giấu tội phạm”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Võ Quỳnh Trang sống như vợ chồng với Nguyễn Kim Trung Thái và ở cùng con riêng của Thái là cháu N.T.V.A (SN 2013) tại căn hộ chung cư Saigon Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
Quá trình sống chung, do tức giận việc gia đình Thái không cho anh này kết hôn và Thái không muốn có con chung do đó trong thời gian Trang ở nhà kèm cháu V.A học trực tuyến, từ ngày 7 đến 22/12/2021, Trang đã dùng tay, chân, thanh gỗ, roi, ống kim loại (là ống nối của máy hút bụi) đánh đập, hành hạ dã man cháu A bằng nhiều cách thức khác nhau, trong nhiều ngày, nhiều giờ.
Cụ thể, từ 14 giờ 51 phút đến 18 giờ 6 phút ngày 22/12/2021, Trang dùng tay, chân và cây gỗ đánh đập, đạp liên tục vào các vùng trọng yếu trên cơ thể của cháu V.A, dẫn đến cháu tử vong trước khi vào bệnh viện cấp cứu.
Nguyễn Kim Trung Thái trong các ngày 7, 10, 11, 12/12/2021 đã chứng kiến Trang nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu V.A nhưng không can ngăn. Ngược lại, Thái còn tham gia cùng Trang đánh đập, hành hạ cháu A.
Ngày 22/12/2021, sau khi biết Trang đánh cháu V.A tử vong, Thái đã đăng nhập vào ứng dụng quản lý camera thực hiện hành vi xóa toàn bộ dữ liệu của 4 camera trong căn hộ nhằm che giấu hành vi phạm tội của Trang.
Viện Kiểm sát nhận định, hành vi phạm tội của Trang và Thái gây bất bình trong Nhân dân, dư luận xã hội lên án, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Ngày 21/7, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái ra xét xử sơ thẩm vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi dẫn tới tử vong |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử kín vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - tham gia bảo vệ quyền lợi cho bé V.A, cho biết: Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Tòa án Nhân dân tối cao quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác (sau đây gọi chung là người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi) thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau: Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Như vậy, theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…). Đặc biệt, những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân; Hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý.
Tuy nhiên, vụ án này là vụ án Giết người, bị hại là cháu V.A đã tử vong thì việc xét xử kín theo tinh thần Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC của Tòa án Nhân dân tối cao là không cần thiết. Mục đích xử kín là bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư, tránh gây tâm lý bất ổn và đảm bảo tương lai cho các cháu. Trong vụ án này bị hại đã tử vong nên cần phải xét xử công khai nhằm mục đích giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội”, luật sư Thơm bày tỏ quan điểm và kiến nghị.