Cảnh sát liên tục triệt phá nhiều ổ nhóm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng
Gần đây, lực lượng công an liên tục cảnh báo người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó, các đơn vị đã điều tra, bắt giữ nhiều ổ nhóm thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản.
Bắt hàng chục đối tượng giả nhân viên ngân hàng
Mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang đồng loạt khám xét, bắt giữ hàng chục đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xác định dấu hiệu tội phạm, gây thiệt hại tài sản lớn của người dân, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh. Các lực lượng, biện pháp, phương tiện đã được ban chuyên án huy động tối đa để đấu tranh hiệu quả cao nhất.
Cảnh sát khám xét, thu giữ nhiều tang vật các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng |
Sau khi thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ và tính toán phương án bắt gọn hàng chục đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Sáng 4/8, 9 tổ công tác với hơn 100 cán bộ, chiến sỹ Công an TP Bắc Giang, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát cơ động và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Bắc Giang đã đồng loạt kiểm tra 7 căn hộ của một khu chung cư cao cấp trên địa bàn huyện Gia Lâm và 2 địa điểm ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Tại các địa điểm trên, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 37 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ 28 bộ máy vi tính, 31 thiết bị phát sóng Internet, 43 điện thoại di động các loại, 18 thẻ ngân hàng, 61 thẻ sim điện thoại và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu được xác định là Trần Văn Mạnh (SN 2002) ở An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội. Các đối tượng có vai trò giúp sức tích cực như: Trần Văn Sỹ (SN 2002); Trần Long Vũ (SN 2002); Trần Văn Đạt (SN 1998); Nguyễn Bá Tuấn (SN 2004) đều ở An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội. Các đối tượng còn lại được các đối tượng trên tuyển vào làm nhân viên, được nuôi ăn, ở, trả lương hàng tháng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng đã thu mua các tài khoản Facebook ảo rồi dùng các ứng dụng trên nền tảng Internet để chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác trên Facebook; Đăng quảng cáo vào các hội nhóm cho vay tiền; Giả thông tin của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ các gói vay với mức lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh trong ngày.
Để tạo niềm tin với người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng đóng nhiều vai, khi là nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, khi là nhân viên thẩm định hồ sơ… để tư vấn, lập hồ sơ cho vay tiền; Sau đó yêu cầu người vay phải chuyển các khoản tiền như: phí giải ngân, phí bảo hiểm cho khoản vay… tới các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định.
Để có thể lừa được nhiều lần, nhiều người, các đối tượng đưa ra nhiều kịch bản khác nhau như: Nội dung chuyển sai, khoản tiền có nợ xấu nên đã yêu cầu người vay phải chuyển nhiều lần; Nhiều trường hợp lên tới trên 200 triệu đồng. Với thủ đoạn lừa đảo như trên, bước đầu, cơ quan điều tra xác định nhóm đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 30 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại trên cả nước.
Đáng chú ý, các đối tượng trong vụ án ở độ tuổi rất trẻ, dưới 25 tuổi, thậm chí, có một số trường hợp ở độ tuổi vị thành niên bị lôi kéo tham gia vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cá biệt, có học sinh đang nghỉ hè cũng bị lôi kéo. Nhiều đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ bỏ nhau, nhiều gia đình không quan tâm đến con cái.
Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang đã ra quyết định tạm giữ 31 đối tượng và đang tiếp tục phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh mở rộng chuyên án.
Thủ đoạn tặng quà Iphone 14 Pro Max
Trước đó vào ngày 3/8, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an huyện Đan Phượng cũng đã phối hợp với lực lượng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội triệt phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng do Lê Hùng Công (SN 1988, ở Đan Phượng) cầm đầu.
Cảnh sát bắt các đối tượng liên quan vụ án lừa đảo với thủ đoạn tặc quà điện thoại Iphone 14 Pro Max |
Theo tài liệu điều tra, sau thời gian trinh sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, lực lượng chức năng đã bất ngờ kiểm tra căn hộ trên tầng 21, toà CT2B, khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng. Tại đây lực lượng chức năng phát hiện 8 đối tượng cùng nhiều bộ máy tính để bàn kết nối Internet.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận dùng máy tính đăng nhập vào các tài khoản Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại bằng hình thức tặng quà là điện thoại iPhone 14 Pro Max với điều kiện nạp số tiền từ 200.000 đồng đến khoảng 6 triệu đồng bằng cách chuyển khoản hoặc thẻ nạp điện thoại.
Lê Hùng Công là đối tượng trực tiếp quản lý "chân rết" thực hiện hành vi lừa đảo. Đối tượng này cũng lên kịch bản gồm 5 bước, sau đó Công hướng dẫn cho từng người trong nhóm thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng đăng bài tặng quà là iPhone 14 Pro Max trên Facebook. Sau đó, chúng lập nhiều tài khoản ảo để bình luận, tăng tương tác bài đăng. Khi "con mồi" mắc bẫy, chúng yêu cầu phải nộp các loại phí: Xuất hóa đơn 200.000 đồng; Làm hồ sơ xác thực thông tin 500.000 đồng; Làm thẻ bảo hành cho máy điện thoại 1,5 triệu đồng.
Chưa dừng lại, nạn nhân tiếp tục bị các đối tượng yêu cầu chuyển thêm 4 triệu đồng là tiền "cọc giao hàng", 5 triệu đồng tiền thuế và 6 triệu đồng tiền "kích hoạt hồ sơ, hoàn tiền nhận lại khi bưu tá giao hàng kèm tiền". Sau khi nạn nhân thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng liền cắt đứt liên lạc và không gửi bất kỳ "món quà" nào.
Cuối tuần, đối tượng Công tổng hợp lại số tiền và phân chia cho các thành viên với tỷ lệ 60/40 (Công được hưởng 40%, các thành viên được hưởng 60% đối với từng phi vụ ). Riêng Hiền được nhận toàn bộ số tiền mà không phải ăn chia với Công.
Số máy tính các đối tượng sử dụng để lừa đảo trên không gian mạng |
Theo Chỉ huy Công an huyện Đan Phượng, bị hại mà nhóm đối tượng nhắm đến thường là các em học sinh, sinh viên hoặc người trẻ tuổi. Có những bị hại đã qua 5 bước đóng tiền, bị chiếm đoạt số tiền hàng triệu đồng. Điển hình như Trần Hữu Bắc sử dụng tài khoản Facebook “Huyền Trang Mobile” lừa đảo cháu T.T.H.S (SN 2006) trú tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng chiếm đoạt 15,2 triệu đồng vào ngày 26/6 vừa qua.
Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại khắp cả nước với số tiền ước tính khoảng 60 triệu đồng. Để đảm bảo quyền lợi người liên quan, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng thông báo còn ai là bị hại của thủ đoạn lừa đảo này đề nghị liên hệ với Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đan Phượng để trình báo.